Hoạt động

Đưa khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu ( kỳ 2)

Sau khi khởi động thành công chương trình đưa khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu vào cuối tháng 8 vừa qua. Trung tuần tháng 9/2016, đoàn cán bộ, giảng viên của Đại học Lạc Hồng phụ trách chương trình gồm: TS. Nguyễn Văn Tân (lĩnh vực Kinh tế); TS. Lê Phương Trường, TS. Nguyễn Thanh Sơn và ThS. Đỗ Bình Nguyên (lĩnh vực Kỹ thuật Cơ khí chế tạo); TS. Nguyễn Huỳnh Bạch Sơn Long, TS. Cao Văn Dư và ThS. Lê Phú Đông (lĩnh vực Kỹ thuật Hóa học, Môi trường) tiếp tục buổi thực địa thứ 2 tại địa phương. Chương trình này nằm trong dự án giúp đưa khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp tại huyện Vĩnh Cửu (khởi xướng từ Lãnh đạo Trường Đại học Lạc Hồng, Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai và Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Cửu).

Khao sát huyện Vĩnh Cửu

Hồ chứa nước thải chăn nuôi heo

Hướng dẫn đoàn đi thực địa có: Ông Nguyễn Minh Long - Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Cửu; Ông Phan Thanh Quốc Cường - Phòng Nông nghiệp; Ông Nguyễn Đình Đà - Tổ trưởng khu phố 4 xã Vĩnh An; Ông Nguyễn Thành Trung - Phòng Nông nghiệp. Tại đây, đoàn khảo sát trại heo quy mô 700 con của ông Trịnh Văn Nghị để thực hiện khảo sát tình hình xử lý nước thải của các trại chăn nuôi heo trên địa bàn xã Vĩnh An. Đây là khu vực qui hoạch nuôi heo tập trung. Đồng thời khảo sát khu vực trồng xoài trên địa bàn xã Mã Đà và Phú Lý (Theo anh Phi- Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, địa bàn huyện có 20.000 ha xoài, bình quân mỗi mùa thu hoạch 20 tấn/ha, tập trung chủ yếu là ở Mã Đà và Phú Lý).

Dự án giúp đưa khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp tại huyện Vĩnh Cửu là chuỗi hoạt động không thể hoàn thành trong một sớm một chiều, ngược lại qua đó đòi hỏi các nhà khoa học, những người thực hiện dự án phải dày công nghiên cứu và bám sát để tìm những hướng đi phù hợp và chờ đợi kết quả nghiệm thu.

Đưa khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu ( kỳ 2)

Hầm biogas được phủ bằng lớp bạt HPDE tại trại chăn nuôi heo thị trấn Trị An – Vĩnh Cửu

Về hướng xử lý đầu ra cho các hộ trồng xoài có nhiều năng xuất nhưng không tiêu thụ sản phẩm được. Các thành viên trong nhóm đã đi đến nhất trí cao theo hướng chia giai đoạn để giúp bà con. Trước mắt là hỗ trợ bà con tiêu thụ ngay trong mùa vụ cuối năm 2016 thông qua các đầu mối chế biến suất ăn công nghiệp cho các doanh nghiệp. Đồng thời, nhóm nghiên cứu các sản phẩm đầu ra từ quả xoài để tiêu thụ tại các thị trường thuộc TPP mà Việt Nam là thành viên (hiện nay, theo tìm hiểu của nhóm, Thái Lan và Philippines là hai nước chủ lực có sản phẩm chế biến từ xoài, nhưng cả hai nước không là thành viên của TPP). Nhóm dự kiến đến mùa vụ năm 2018, năm 2019 sẽ có sản phẩm từ xoài để xuất đi các nước thuộc TPP. Còn mùa vụ cuối năm 2016 và năm 2017 sẽ là những sản phẩm sơ chế từ quả xoài để tiêu thụ trong nước.

Đưa khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu ( kỳ 2)

Trang trại nuôi heo trên địa bàn thị trấn Trị An huyện Vĩnh Cửu

Về hướng xử lý môi trường cho các trại heo trên địa bàn. Sau khi khảo sát, Đoàn thực địa phân công ThS. Lê Phú Đông đảm nhận (Người có 5 năm làm trực tiếp và có nhiều công trình nghiên cứu thực tế cho nhiều doanh nghiệp chăn nuôi heo). Qua phân tích tình hình thực tế, ThS. Phú Đông cũng đề ra một số giải pháp và hướng xử lý phù hợp với tình hình từng cơ sở chăn nuôi cũng như tình hình chung của địa phương. Dưới đây là một trong những nghiên cứu của ThS. Lê Phú Đông về xử lý nước thải trong chăn nuôi heo.

Với tiêu chí đồng hành cùng chính quyền cấp Huyện để phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Lãnh đạo Trường Đại học Lạc Hồng cùng các nhà khoa học sẽ quyết tâm chuyển giao khoa học công nghệ đến cơ sở địa phương để cải thiện kinh tế hộ gia đình, phát triển khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, tạo môi trường sinh thái phát triển cộng đồng chung bền vững cho địa phương.

Bài phân tích Công nghệ xử lý nước thải trong chăn nuôi heo của Th.S Lê Phú Đông

Với sự phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn Huyện Vĩnh cửu theo hướng trang trại công nghiệp và bán công nghiệp như hiện nay, việc xử lý chất thải sau chăn nuôi heo là vấn đề cần phải lưu ý và quan tâm. Vì chất thải sau chăn nuôi heo thường có mùi hôi thối, các chất tạo mùi do vi sinh vật tạo thành từ các vật chất hữu cơ, nước thải càng thiếu oxy thì các chất tạo mùi được hình thành càng nhiều, nếu chất thải sau chăn nuôi xử lý không tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh nghiêm trọng cho động vật và người. Do vậy, việc xử lý chất thải sau chăn nuôi là vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay trong ngành chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu.

Nước thải trong chăn nuôi heo bao gồm nước tắm rửa, vệ sinh chuồng trại gia súc, máng ăn, máng uống,…là loại nước gây ô nhiễm nặng nhất vì nó có chứa các chất vô cơ, hữu cơ, khoáng chất…Hàm lượng chất hữu cơ trong nước thải chăn nuôi heo chiếm khoảng 70- 80 % bao gồm Protein, lipid, hydrocacbon và các dẫn xuất như cellulose, acid amin. Hàm lượng các chất vô cơ chiếm từ 20 -30% bao gồm đất, cát, bụi muối phosphate, muối nitrat, ion Cl-, SO4 2-, PO4 3-… Ngoài ra, nước thải chăn nuôi còn chứa rất nhiều vi sinh vật gây bệnh tả, lỵ, thương hàn, kiết lỵ và gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, nếu không có biện pháp thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, vật nuôi và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt là các virus biến thể từ các dịch bệnh như lở mồm long móng, dịch bệnh tai xanh ở heo… có thể lây lan nhanh chóng.

Công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi heo hiện nay thường dùng phương pháp sinh học. Cụ thể là phương pháp sinh học lên men yếm khí (Biogas), nồng độ chất thải sau xử lý thấp, hiệu quả xử lý chất thải lên đến 80%, khí biogas sinh ra trong quá trình lên men, được thu hồi và sử dụng chạy máy phát điện, khí đốt,.... giúp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và tiêu diệt mầm bệnh chăn nuôi trang trại. 

Bên cạnh đó, với sự cải tiến quy trình công nghệ khi sử dụng kết hợp máy ép phân với xử lý biogas, có thể thu hồi được lượng lớn chất thải để làm phân bón hữu cơ và phân bón dạng lỏng. Công nghệ này có ưu điểm:

-         Tách các chất rắn – lỏng trong chất thải chăn nuôi;

-         Loại bỏ mùi hôi thối trong chất thải;

-         Lên men nhanh các chất thải rắn, lỏng để sản xuất phân bón hữu cơ.

Đặc điểm của thiết bị công nghệ gồm máy tách các chất rắn – lỏng và xử lý mùi hôi.

-         Chất thải rắn được tách và lên men thành phân hữu cơ có thành phần dinh dưỡng cao sử dụng cho cây trồng nông nghiệp không gây ô nhiễm và độc hại.

-         Nước thải lỏng xử lý và phát triển nguồn năng lượng khí sinh học biogas được loại bỏ vi khuẩn gây hại và làm phân bón hữu cơ dạng lỏng.

-         Thiết bị vận hành đơn giản và thuận tiện, độ bền cao, chi phí thấp và an toàn

Đưa khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu ( kỳ 2)

Sơ đồ quy trình công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi heo kết hợp máy ép phân

Với việc áp dụng quy trình xử lý trên các trại nuôi heo sẽ giải quyết được các vấn đề về môi trường và có một khoản thu lớn từ việc bán phân bón hữu cơ.

Do đó, vấn đề xử lý chất thải sau chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu nếu áp dụng theo quy trình xử lý này sẽ có hiệu quả, đem lại rất nhiều lợi ích như: hạn chế dịch bệnh, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi heo ổn định, bền vững. Ngoài ra, xử lý chất thải sau chăn nuôi tốt, đạt chuẩn theo quy định sẽ góp phần phát triển môi trường huyện “xanh - sạch - đẹp”, bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi cũng như cộng đồng xã hội.

Diễm Nhi

Khoa học, chuyển giao công nghệ, huyện Vĩnh Cửu


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        11,553,666       1/813