Cơ hội việc làm



Hiệu quả của việc triển khai Nhận thức nghề nghiệp, công tác hướng nghiệp cho sinh viên của Khoa Kỹ thuật Hóa học và Môi trường

Với mong muốn nhanh chóng hội nhập với thế giới, khi mà Khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão và cách mạng công nghiệp 4.0 đang nhanh chóng phổ cập khắp toàn cầu, tập thể sư phạm cùng với Hội đồng khoa học của Khoa Kỹ thuật Hóa học và Môi trường đã thường xuyên tiến hành thảo luận, kết hợp với tham khảo ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các doanh nghiệp trong tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận, để chương trình đào tạo luôn được cải tiến, cập nhật nhằm đáp được nhu cầu của xã hội theo mục tiêu và sứ mạng của nhà trường.

Hình 1: Sinh viên tham quan nhà máy Chế biến thịt D&F

Khoa Kỹ thuật Hóa học và Môi trường đượ thành lập từ năm 1997 và hiện đào tạo Kỹ sư bậc Đại học với 4 ngành Công nghệ Kỹ thuật hóa học, Công nghệ môi trường, Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm. Thông qua chương trình học 4 năm và dành trọn nửa năm để đi thực tập tốt nghiệp tại Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hơn một nữa các sinh viên năm cuối (gần 56%) đã được ký hợp đồng làm việc sau khi kết thúc đợt thực tập; số còn lại sinh viên có việc làm trong 3 tháng sau khi thi tốt nghiệp là gần 96% (theo số liệu thống kê việc làm của sinh viên qua các năm 2014, 2015 và 2016). Trong giáo dục và đào tạo đại học, để đánh giá chất lượng đào tạo, hiện nay có rất nhiều phương pháp với nhiều cách đo lường đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, với phụ huynh, sinh viên và cả các thầy cô giáo, việc sinh viên, con em của họ được doanh nghiệp tuyển dụng có việc làm ngay khi đang thực tập và sau khi tốt nghiệp là phương pháp lượng giá, là công cụ đo lường hiệu quả và dễ thấy nhất.

Hình 2: Cấy mô và ươm mầm cây giống dược liệu tại Phòng thí nghiệm

Để có được thành quả này, ngay từ những năm 2013 đến nay, với Chương trình đào tạo được cải tiến theo hướng Chất lượng cao, tiếp cận sát với xã hội, thì việc định hướng và nhận thức nghề nghiệp đã được lồng ghép đưa vào trong các môn học Kỹ thuật Phòng thí nghiệm, Thực tập nhận thức, Thực tập cơ sở, Thực tập kỹ thuật, Thực tập quá trình và công nghệ và Đồ án môn học chuyên ngành. Cứ mỗi một môn học, thì các em phải trải nghiệm hơn 45 giờ theo yêu cầu đặt ra của giảng viên với những nội dung phù hợp tại các Phòng thí nghiệm trong số 12 Phòng thí nghiệm của Khoa. Song song việc tích lũy kỹ năng thực hành đó, qua mỗi môn học, hằng năm sinh viên còn được tham quan tại các nhà máy, các công ty sản xuất mà có liên quan đến ngành mình học, nhằm tìm hiểu được doanh nghiệp họ cần gì ở mình, và mình cần làm gì để đáp ứng cho họ?

Hình 3: Sinh viên tham quan nhà máy Xử lý nước thải, và thực tập tích lũy kỹ năng thực hành 45 giờ tại Phòng thí nghiệm của Khoa

Nhìn chung, sau một thời gian triển khai áp dụng từng bước từ năm 2013 đến nay, tuy chưa thể nói là dài nhưng cũng có thể xem là có cơ sở để bước đầu nhìn nhận sự đúng đắn của việc Nhận thức nghề nghiệp, hướng nghiệp trong chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội của Khoa Kỹ thuật Hóa học và Môi trường đã giúp các em sinh viên từng bước hiểu dần và càng nắm rõ được vai trò nghề nghiệp của mình, tăng cường kỹ năng thực hành, cũng như củng cố thêm niềm đam mê học tập, tự tin tiến vào kỳ thực tập tốt nghiệp, và càng tự tin hơn khi gặp nhà tuyển dụng để có được việc làm đúng chuyên ngành để mà cùng chung tay đóng góp cho việc xây dựng và phát triển của đất nước.

                                                                                                                                                             Xuân Thu


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  1,104,775       1/991