Phổ biến kiến thức

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phổ biến kiến thức


Khó chịu với nhiệt miệng

TT - Viêm loét miệng - lưỡi, hay bệnh nhiệt miệng, là bệnh khá phổ biến: có 10-20% dân số mắc bệnh này! Biểu hiện của bệnh là có một hay nhiều vết loét ở lưỡi và/hoặc ở niêm mạc miệng, gây đau đớn khó chịu khi ăn uống hay khi há miệng nói.

Chỉ một triệu chứng chung như vậy nhưng nguyên nhân bệnh lại khá nhiều: có thể là hậu quả của nhiễm khuẩn từ các răng sâu, nhiễm nấm hoặc nhiễm siêu vi Herpes; có thể là bệnh Aphthous; có thể do thiếu chất sắt hay thiếu vitamin C, PP, B6, B12. Nguy hiểm hơn, viêm loét miệng lưỡi có thể là dấu hiệu của bệnh tự miễn (như bệnh bóng nước, bệnh HIV) hoặc ung thư lưỡi, ung thư họng miệng.

Bệnh thường “chọn” phái nữ

Ở phòng khám có khi chúng tôi gặp người mắc bệnh này nhiều năm, thường xuyên tái phát, trung bình mỗi tháng bị một lần, mỗi lần mắc bệnh uống thuốc khoảng hơn tuần rồi hết: bệnh nhân đã bị chứng viêm loét miệng lưỡi do Aphthe tái phát (Recurrent Aphthous Stomatitis - RAS).

RAS thường gặp ở phái nữ và ở trẻ em. Đa số trường hợp bệnh giới hạn ở niêm mạc miệng - lưỡi và thường do nhiều yếu tố kết hợp: chấn thương, hút thuốc, stress, ảnh hưởng nội tiết (hành kinh, có thai, mãn kinh), di truyền, dị ứng thực phẩm hoặc thuốc, nhiễm trùng, nhiễm nấm, thiếu vitamin C, PP, B6, B12, thiếu sắt, bệnh tự miễn... Bệnh dường như cũng có yếu tố di truyền: cha mẹ bị loét miệng thì trẻ nhỏ và nhất là con gái trong nhà cũng dễ bị!

RAS có chung đặc điểm là vết loét có màu đỏ xung quanh, giữa có mảng hoại tử vàng, có thể có giai đoạn báo trước kéo dài khoảng 24 giờ, kế đến là đau nhiều 2 - 3 ngày, đau giảm dần khi bắt đầu lành.

Giữ cho cuộc sống thanh thản

Điều trị viêm loét miệng lưỡi chủ yếu là giảm đau vì đau là triệu chứng nổi bật nhất. Đa số trường hợp sẽ tự khỏi sau 1-2 tuần dù không uống thuốc. Tuy nhiên, với các ca nặng hoặc muốn lành nhanh hơn thì bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng viêm, kháng sinh, thuốc kháng virút hay thuốc kháng nấm, bổ sung các vitamin tổng hợp... tùy nguyên nhân. Hoặc nếu loét do nhiễm trùng từ răng sâu thì phải xử lý răng triệt để bệnh mới không tái phát.

Khi bị viêm loét miệng lưỡi nên ngưng rượu bia, bỏ hút thuốc. Không ăn các món cay, chua, nóng vì sẽ làm vết loét bị kích thích đau đớn hơn. Có thể uống nước bằng ống hút, không uống nước nóng. Đánh răng bằng bàn chải loại mềm và chỉ chải răng ở những chỗ không đau, không loét để tránh gây chấn thương niêm mạc thêm.

Riêng trẻ nhỏ khi mắc bệnh này thường khó ăn, khó ngủ, dễ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trong thời gian bị bệnh. Cũng dễ nhầm giữa viêm loét miệng lưỡi với bệnh tay chân miệng ở trẻ. Do đó, khi trẻ nhỏ viêm loét miệng lưỡi nên đưa đến bác sĩ để có chẩn đoán chính xác hơn.

Phòng bệnh:

  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên, chữa trị sâu răng sớm.
  • Không xỉa răng bằng các vật cứng và sắc nhọn.
  • Thức ăn từng gây dị ứng và viêm loét miệng lưỡi thì tránh đừng ăn. Với các thuốc chữa bệnh gây dị ứng phải ghi nhớ để báo bác sĩ.
  • Ăn uống đủ chất, nhất là các thức ăn có nhiều vitamin C, B6, B12, PP như trái cây chín, rau xanh các loại, cam, chanh, bưởi, thịt, cá tươi, trứng, sữa...
  • Giữ cuộc sống thanh thản và cân bằng về tâm lý cũng như thể chất, sắp xếp công việc hợp lý để tránh stress, vì stress cũng được cho là một nguyên nhân gây viêm loét miệng lưỡi.

Viêm loét miệng lưỡi là bệnh khá phổ biến và thường lành tính, không gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng đôi khi viêm loét miệng lưỡi có thể là dấu hiệu của bệnh nặng hơn như ung thư lưỡi, ung thư họng miệng hoặc bệnh tự miễn. Nếu viêm loét miệng lưỡi phát triển nhiều và lớn bất thường, kéo dài trên ba tuần... nên đi khám càng sớm càng tốt.

BS PHAN QUỐC BẢO (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  5,293,649       1/542