Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Ngày thế giới phòng chống AIDS năm 2014 - Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Chắc hẳn ai trong chúng ta, dù ít hay nhiều cũng từng nghe nói đến HIV/ADIS. Chẳng hạn như: HIV/ADIS là gì? Nó lây qua những con đường nào? …v.v..Nhưng có lẽ vần còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu hết những tác hại khôn lường mà đại dịch này gây ra.

HIV là từ viết tắt của loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Loại virus HIV này tấn công và phá vỡ hệ thống miễn dịch là bạch cầu, làm chúng mất khả năng chiến đấu, chống lại các loại nấm, vi khuẩn, virus... xâm nhập vào cơ thể. Từ đó dẫn đến tình trạng mắc hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải - hay gọi là AIDS. Nếu không có một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, những người bị AIDS còn dễ mắc phải những tổn thương khác thường gây ra nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.


Ngày 1/12 hằng năm được chọn làm ngày thế giới phòng chống AIDS (Ảnh: Internet).

Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1980, HIV/AIDS đã lây nhiễm sang 60 triệu người và cướp đi mạng sống của 30 triệu người trên trái đất (kể từ thời điểm phát hiện người mắc AIDS đầu tiên năm 1981 đến nay) và biến nó trở thành một trong những đại dịch bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử khi có tới hàng chục triệu người khác đang nhiễm bệnh chờ chết.

Trước mối hiểm họa to lớn từ đại dịch HIV/AIDS gây ra, ngày 1/12/1988, Hội nghị Bộ trưởng Y tế toàn cầu về các chương trình phòng chống AIDS đã quyết định chọn ngày 1/12 làm “Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS”. Kể từ đó, ngày này được các chính phủ, các tổ chức và hội từ thiện quốc tế lấy làm ngày chính thức trong năm để tiến hành các hoạt động tuyên truyền, tổng kết về công tác phòng chống HIV, AIDS trong cộng đồng.

Ngày Thế giới Phòng chống AIDS, được cử hành vào ngày 1 tháng 12 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, và để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì HIV.


Dải ruy băng đỏ, biểu tượng quen thuộc của cuộc chiến chống HIV/AIDS
tại Nhà Trắng, Washington, DC (Ảnh Internet).

Năm 2014, Việt Nam phát động tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống AIDS (1/12/2014) với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tuy vậy ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và biểu hiện công khai hoặc ngầm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.


Thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS (Ảnh: Internet).

Tại một số quốc gia vẫn còn những quy định cấm người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú hoặc tồn tại tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS.

Ở nhiều gia đình, người nhiễm HIV phải ăn riêng, ở riêng, sinh hoạt riêng; hoặc nếu ở chung thì những người khác trong gia đình cũng hạn chế hoặc miễn cưỡng giao tiếp với người nhiễm HIV.

Khi ra ngoài xã hội, người bị nhiễm HIV cũng thường bị xa lánh, những người xung quanh không muốn làm việc, học tập cùng người nhiễm HIV. Có những trường hợp gây sức ép, tạo cớ để người nhiễm HIV xin nghỉ việc, nghỉ học hoặc bắt buộc thôi việc, thôi học với lý do không chính đáng. Đáng nói hơn là tại các cơ sở y tế, một số nhân viên y tế cũng ngại, miễn cưỡng khi chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, nhất là người bệnh giai đoạn cuối với nhiều biến chứng, lở loét...


Thắp nến trong một hoạt động tưởng niệm
nạn nhân HIV/AIDS tại Ấn Độ
(Ảnh: Internet).

Vì vậy, kỳ thị và phân biệt đối xử là một trong những rào cản quan trọng khiến những người có hành vi nguy cơ cao và những người nhiễm HIV không dám tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có các dịch vụ dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị HIV.

Kỳ thị, phân biệt đối xử cũng làm cho việc phát hiện người nhiễm HIV trong cộng đồng rất khó khăn. Nhiều người đã phát hiện nhiễm HIV, nhưng do lo sợ kỳ thị, phân biệt đối xử mà không dám sử dụng dịch vụ điều trị ARV...

Một số nơi, kỳ thị, phân biệt đối xử là rào cản lớn đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động... đã được pháp luật các quốc gia quy định.


Không phân biệt kỳ thị là cách giúp người
nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng (Ảnh: Internet).

Có nhiều nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Nguyên nhân phổ biến nhất là do HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắcxin phòng bệnh nên khi nhiễm HIV thì không có cơ hội chữa khỏi, có người coi là “bản án tử hình,” “vô phương cứu chữa”. Bên cạnh đó, do sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS. Nhiều người nghĩ rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường, như ăn uống chung, dùng chung đồ sinh hoạt...

Thực tế HIV/AIDS không lây qua các tiếp xúc thông thường như ăn uống, bắt tay, ôm, hôn, ở cùng nhà, làm cùng cơ quan, tắm chung bể bơi,......với người nhiễm HIV. Vì vậy gia đình và cộng đồng cần phải hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS.

“Bớt đi một ánh mắt kỳ thị là tăng thêm một tia hi vọng cho người nhiễm HIV/AIDS”. Phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn XH, của từng gia đình và của mỗi cá nhân./.

(Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp)

 

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,297,360       1/706