Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Cảnh giác hoạt động lừa đảo bán hàng đa cấp sau mùa dịch Covid-19

Hiện nay, tình trạng kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp biến tướng diễn ra hết sức phức tạp sau mùa dịch Covid-19. Từ khi các địa phương trong cả nước bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội thì các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng có chiều hướng gia tăng. Nạn nhân mà các đối tượng lừa đảo nhắm đến thường là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, những người có nhu cầu tìm việc làm kiếm thêm thu nhập.

Sau đây là các hình thức lừa đảo phổ biến của các công ty đa cấp, sinh viên cần lưu ý:

1. Lừa đảo thông qua hình thức tuyển dụng việc làm: các đối tượng ẩn danh đăng tải thông tin tuyển dụng lên mạng xã hội, kèm mức thu nhập và thời gian làm việc hấp dẫn. Sau đó nhận hồ sơ, thực hiện phỏng vấn, ký hợp đồng làm việc rồi bán đồng phục, sản phẩm cho sinh viên với giá cao. Sinh viên được cho đi học các lớp “bán hàng” mà thực chất là hướng dẫn kinh doanh dạng “đa cấp”. Sau thời gian “học việc”, sinh viên phải mua bán hàng do công ty cung cấp với giá trị ảo rất cao hoặc giới thiệu người khác mua hàng thì mới có hoa hồng. Trường hợp không bán được sẽ không được trả lại hàng cho công ty và không có tiền. Ngoài ra, cũng có trường hợp sinh viên đóng tiền thế chân, các đối tượng này để sinh viên chờ đợi mà không bao giờ gọi đến làm việc và chiếm đoạt tiền cọc.

2. Lừa đảo bằng hình thức kêu gọi đầu tư tài chính, góp vốn: các đối tượng giả danh các công ty, tập đoàn uy tín nước ngoài hứa hẹn mang lại những khoản lợi nhuận lớn, cố định mỗi tháng cho nhà đầu tư khi rót vốn vào (khoảng 30-40%/tháng, cao hơn rất nhiều so với các quỹ ủy thác tài chính khác). Các dự án này thường huy động vốn của nhà đầu tư và trả lãi theo nhiều tầng, đồng thời dự án còn đặt ra mức hoa hồng vài chục đến hàng trăm phần trăm cho người giới thiệu nhằm thu hút thêm nhiều thành viên khác tham gia. Bản chất của mô hình đa cấp lừa đảo này nằm ở việc những đối tượng không tập trung vào phát triển sản phẩm của dự án mà chỉ chú trọng lôi kéo càng được nhiều người tham gia đầu tư dự án nhất có thể, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước.

3. Lừa đảo thông qua tin nhắn facebook, zalo: sinh viên bị tiếp cận bởi các tin nhắn trên Facebook, zalo vờ đang làm khảo sát liên quan đến sinh viên. Sau đó, các bạn sẽ nhận được tin nhắn từ một tài khoản lừa đảo với lời chào mời đang làm mảng marketing online của một công ty và khảo sát những câu hỏi như "Giới trẻ làm gì trong thời gian rảnh?” Sau rất nhiều câu hỏi về việc sử dụng thời gian và thói quen giải trí, sinh viên được hỏi "nếu có môi trường phát triển kỹ năng để sau này ra trường không phải đào tạo lại, em có quan tâm không?", khi sinh viên trả lời có sẽ được giới thiệu tham gia các lớp hội thảo qua ứng dụng zoom online/trực tiếp. Tại các buổi nói chuyện đó, sinh viên được giới thiệu về công việc kinh doanh bán hàng mà thực chất là kinh doanh đa cấp.

4. Lừa đảo dưới hình thức “kinh doanh khởi nghiệp đa cấp”: Bước đầu, các đối tượng này mời gọi sinh viên tham gia dưới nhiều hình thức: tổ chức các câu lạc bộ “khởi nghiệp”, đăng tin tuyển dụng việc làm thêm, tổ chức hoạt động rèn luyện kỹ năng mềm, … Trong quá trình giao tiếp, họ tiếp cận làm quen và tỏ ra quan tâm đến tâm tư, tình cảm, đời sống của sinh viên để tạo sự tin tưởng. Họ vẽ ra một bức tranh kiếm tiền dễ dàng bằng cách đưa ra những dẫn chứng: người này bỏ việc giảng dạy đại học để kinh doanh kiếm được tiền tỷ, người kia lúc trước bán nước mía giờ ngồi không lãnh mỗi tháng vài trăm triệu, người nọ giờ chỉ đi du lịch châu Âu vẫn có tiền đổ vào tài khoản,… Để tham gia thành viên cấp đồng, bạc, vàng hay kim cương, sinh viên cần bỏ ra số tiền từ 80 đến 800 triệu đồng để mua sản phẩm, đồng thời quyền lợi (hoa hồng, phần thưởng) được hưởng tương ứng cũng cao hơn. Để sinh viên có tiền tham gia, các đối tượng này hướng dẫn cách mượn bạn bè, người thân,…

5. Lừa đảo giả làm hồ sơ du học: Các đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn hướng dẫn các em lừa ba mẹ làm hồ sơ đi du học, cần tiền trong tài khoản để chứng minh thu nhập với đại sứ quán hoặc cơ quan cấp học bổng. Phụ huynh chủ quan vì cho rằng tiền được chuyển vào tài khoản con mình nên không nghi ngờ. Thực tế ngay sau đó, các đối tượng yêu cầu các em rút hết số tiền để mua các sản phẩm của công ty. Hầu hết đây là những sản phẩm có chất lượng kém, không thể bán được trên thị trường, số tiền đó gần như không thể thu hồi.

Sinh viên khi tham gia bán hàng đa cấp sẽ bị mất tiền bạc, mất thời gian của tuổi trẻ, không tập trung được cho việc học, mất lòng tin từ gia đình, bạn bè; giảm sút về sức khỏe, tinh thần và mất đi giá trị đạo đức con người.

Nhằm đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng ngừa việc các đối tượng lừa đảo lợi dụng các hoạt động kinh doanh dạng đa cấp để huy động vốn trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho sinh viên, Hiệu trưởng Nhà trường yêu cầu Sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng không tham gia các hệ thống bán hàng đa cấp trái pháp luật; không vận động, lôi kéo bạn bè tham gia các hoạt động đa cấp trái pháp luật. Nếu phát hiện thấy các trường hợp lôi kéo, dụ dỗ hoặc vay mượn tiền để tham gia bán hàng đa cấp trong sinh viên trường, cần báo ngay cho GVCN/CVHT hoặc Phòng Công tác sinh viên (P. D101, CS2, điện thoại 02513.952.250) hoặc qua Văn phòng Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên trường (điện thoại 0251.3951.957) để được hỗ trợ kịp thời.

Sinh viên muốn có thêm kinh nghiệm, muốn có việc làm thêm để có thu nhập nhằm hỗ trợ cùng gia đình trang trải cuộc sống ngay từ khi còn ngồi trên ghế Nhà trường vui lòng liên hệ Bộ phận Quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên, tầng trệt, tòa nhà B, cơ sở 1, Trường Đại học Lạc Hồng, số 10, Huỳnh Văn Nghệ, phường Bửu Long, tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (qua số điện thoại 02513 951 347 hoặc 0919.456.889 gặp Thầy Hải Quân) để được hỗ trợ và giới thiệu việc làm miễn phí./.

Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,296,747       8/2,551