CSV thành đạt

Cựu sinh viên  »  CSV thành đạt


Sự vươn lên của một chàng trai khối ngành kỹ thuật- CSV khoa Cơ Điện

    Người hùng của Roobocon năm 2009, Nguyễn Văn Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố mẹ và em trai tại một huyện nghèo ven biển, Hải Hậu, Nam Định. Khu vực tôi sinh sống có ba nghề chính: nghề biển đánh bắt cá, nghề làm muối, nghề nông trồng lúa và hoa màu. Gia đình tôi làm nông trồng lúa màu từ thời ông bà và tới bố mẹ tôi... tôi nghĩ sau này tôi cũng thế mà thôi. Một năm hai vụ lúa và một vụ rau đông (trồng rau dịp cuối năm sau khi kết thúc việc gặt lúa xong). Thời tiết miền Bắc khá lạnh, gia đình bố mẹ cũng không có điều kiện học nhiều cũng chỉ biết đọc, biết viết. Đối với gia đình tôi lao động là niềm vui... không có việc làm là buồn. Bởi thế mà thời gian từ sáng sớm tới chiều tối mẹ tôi ngoài đồng còn nhiều hơn thời gian ở nhà.

     Cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, thì tôi đã biết nấu cơm, rửa chén... lớn hơn tý nữa tôi biết chăn nuôi heo, cắt cỏ nuôi cá ...Ngoài việc đi học tôi phải hoàn thành những việc này, và được lặp đi lặp lại suốt khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường cấp I, cấp II, cấp III.

    Thấy mẹ tôi làm ngoài đồng về kêu đau lưng, nhức chân và nhất là bàn tay chai sạn vì cầm cuốc và liềm làm cỏ và hái lúa “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Nhiều lúc tôi tự hỏi sao mẹ tôi lại bền sức như thế, làm thế mà không mệt, sao tôi làm vừa chán và mệt quá...tôi sợ đất nhét vào kẽ tay và chân do cả ngày lội ruộng, mà chân tôi thì kẽ chân dễ bị sưng lên, cảm giác đau ngứa, cũng chữa và bôi thuốc nhiều nhưng không hết, kỹ thì được một thời gian không kỹ thì được tuần lại bị lại... nhìn bạn bè đi học, đi chơi ngang qua ruộng của bố mẹ tôi làm tôi cũng muốn sau khi đi học về mình có thể la cà thêm tý rồi về nhà sau. Về nhà ăn cơm mà không phải ra ruộng làm gì. Ngày nhỏ tôi thích học lắm, kể cả việc học giáo lý ở nhà Thờ, học ở Trường, cứ đi học mà không phải ra ruộng là tôi nhanh chóng đi ngay. Siêng nhất làng (hiiiii.. hiii  giờ tôi cũng rất buồn cười) nên bởi thế Bố tôi quen luôn, khi có việc gì là bố tôi nói “ thằng Sơn lại bận học rồi”. Có lẽ, sợ việc, sợ vất vả nên tôi chọn học.

    Tôi còn rất nhớ như in ngày tôi từ Bắc vào Bà Rịa Vũng Tàu ở gia đình người thân, một mình ngồi trên xe đi một hành trình dài và xa nhà đến vậy. Có lẽ nhiều người sẽ rất buồn và tủi..v.v..nhưng tôi lại thấy hay và mới lạ. Được đi ra bên ngoài gần như là một sở thích và ước mơ từ thuở nhỏ vậy.

    Ở BRVT được hơn hai tháng, tôi đã làm phụ hồ, thợ hết việc tôi được người quen chỉ làm sơn P.U ( phủ sơn cho cửa gỗ), còn kèm theo câu này! làm nghề này đi cháu, không nắng mưa như làm hồ, làm lâu vừa có công cao và học nghề, cái nghề gỗ không lỗi thời. Rồi sau đó tôi từ BRVT lên Đồng Nai bán cafe cho một gia đình có quen với Bố tôi, bạn lính của Bố. Cái ăn cái mặc rất sướng, và sạch sẽ. Tôi thấy thích công việc này. Và cũng chính ở Đồng Nai tôi được tiếp cần với một trường Đại Học vì cái tên trường nằm trên một cái băng rôn gần quán tôi làm. Cứ nghĩ cuộc đời mình cứ đi làm thế này thôi, tháng nào xào tháng đó, từ từ tính tiếp... còn trẻ mà 18 tuổi như mình thế là cũng ghê rồi. 2.2 triệu bao ăn bao ở không phải suy nghĩ nhiều, vào thời điểm năm 2006 đĩa cơm 4.000 đồng, lương thế cũng ổn. Đó là những suy nghĩ nông cạn của một đứa trẻ từ quê bước chân ra thành phố,

Nhưng bệnh lười của tôi lại hiện lên, việc dậy sớm 4 giờ sáng dọn bàn dọn ghế nấu nước nóng pha cafe của một người đang trong độ tuổi ăn, tuổi lớn như tôi là một điều tra tấn, có lúc dọn được ít đồ thèm ngủ quá tôi ngồi trên ghế - gục trên bàn tôi đánh thêm được 15 phút. Ngày qua ngày tôi thấy không hợp nữa rồi. Lại muốn làm và thay đổi cái gì đó mà trong đầu tôi có tiếng nói nhỏ. Và cái tên “Trường đại học'' lúc nào cũng hiện trước mặt tôi, và cứ nghĩ nó lớn lao và ghê gớm lắm.

    Tôi bắt đầu quay lại Bà Rịa Vũng Tàu với số tiên nhỏ trong tay bắt đầu đi ôn thi đại học. Vừa học thêm ở nhà Thầy giáo gần nhà vừa làm thợ phụ gỗ kiếm 30 ngàn /ngày. Sau 2 tháng ôn thi tôi đã thi tại Đại học Lạc Hồng và được điểm số 18,5 điểm + 1 điểm vùng = 19,5 điểm.

    Khăn gói lên trường học một mình không có ai quen, không nhờ vả ai được, một mình tự lập, lần đầu tiên tôi thấy thiếu thốn cả về tình cảm và tinh thần. Nhưng tôi có thêm một thứ trước giờ không có là “tự do”. Ngoài việc học tôi được tự do đi đây đi đó, đi làm thêm, và trải nghiệm, và kinh nghiệm với nhiều người đã đi làm. Nhất là sự hướng dẫn chỉ bảo và quan tâm của Thầy Quỳnh và các thầy cô giáo khác... làm tôi có động lực trong việc học và sáng tạo Robocon. Hoàn thành các bộ môn học và Đoạt giải Robocon 2009 và cũng là đội đại diện trường đi thi toàn quốc và đã có giải đem về. (Giải Phong Cách 1 trong 8 đội mạnh nhất Việt Nam – 07 Star).

CSV Sơn (áo trắng) về trường làm việc với Thầy Anh Minh - Phó bộ phận QHDN về việc tuyển dụng

Năm 3 - 4 tôi được tiếp cận với rất nhiều anh chị Cựu sinh viên đã đi làm và có mức lương mơ ước, giao lưu và nói chuyện với anh chị, tôi mơ ước ra trường hàng tháng mình kiếm được 5 – 7 triệu/ tháng. Với mức lương này tôi có thể làm được rất nhiều việc và nhất là mỗi tháng gửi bố mẹ tôi 2 triệu để bố mẹ khỏi vất vả.

Tôi luôn cố gắng và nuôi dưỡng ước mơ đi làm mỗi tháng chỉ cần 5 triệu là đủ, nhưng lòng người mà, có 5 triệu rồi lại ước mơ lớn hơn, cứ thế…

    Thật vui vì mình làm được điều mà mình đã đặt ra. Hoàn thành được một mục tiêu lớn đối với tôi là cái gì đó rất vĩ đại và sảng khoái nó như đưa mình lên một level mới cao hơn. Và đúng thế tôi đã tốt nghiệp và cầm bằng trong tay loại khá giỏi, tiếng Anh Toeic 450 đủ để tôi nói chuyện và đọc hiểu tài liệu cấp độ cơ bản, bằng tin học.... và cuối cùng ước mơ về một mức lương cao (5 triệu đối với bản thân tôi) đã hiện thực và còn vượt cao hơn tôi đề ra 8 triệu/ tháng tại một đơn vị thầu dịch vụ gói trong cảng đóng tàu tại nhà mày X51 Nhà bè  HCM. Woahhh! tuyệt vời tôi nghĩ quá đủ. (Ăn 2 triệu gửi bố mẹ 2 triệu, bạn bè đình đám 2 triệu còn dư 2 triệu làm vốn).

   Trải qua hai tháng êm đẹp với công việc, tan ca về nhà tôi ghé quán làm một ly nước mát lạnh, mấy anh em chung phòng rủ nhau ra chợ chiều mua cá, mua rau về nhúng lẩu, mua bia... tối đến lai rai “ đại tiệc” nhé! Cũng rất tuyệt vời. Nhưng đến tháng thứ ba, lại một tiếng nói nhỏ trong đầu phát ra... không biết nó nói tôi hay ai.. nhưng tôi lại phải suy ghĩ và khó chịu một lần nữa.. vì sắp tới tôi sẽ thay đổi. Và đúng như vậy được 3 tháng 6 ngày tôi đã nghỉ công việc này, với mức lương khá ổn. Lần này là do tôi cũng bị bó hẹp về thời gian và sức sáng tạo. Công việc cũng cứ lập đi lặp lại việc, ra chỗ làm, lên tàu, ống sắt, coi mối hàn, test mối hàn, tháo ra mạ ống. xong rồi thì  lắp lại. Được vị trí này rồi thì chuyển qua vị trí khác... lặp đi lặp lại. Và hình như việc thay đổi lần này cũng có chút lười và sợ, sợ nắng nóng, bụi, tiếng gia công máy móc ồn ào.

CSV Sơn về thăm thầy giáo cũ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu Trưởng

Trước khi quyết định nghỉ công việc tôi cũng đã có thời gian học vài khóa học về kỹ năng và đi qua các công ty để tìm hiểu về các lĩnh vực mà họ đang kinh doanh, tham vọng của lôi lúc đó lớn hơn rất nhiều, với đồng lương 10 triệu thì làm được gì? 12 triệu thì làm được gì? như câu ngạn ngữ ông cha ta thường nói "thuyền to thì sóng lớn” với bài tóan tính lũy kế thì đi làm công ăn lương thì biết bao giờ có số tiền để mua nhà, cưới vợ, sinh con và cho gia đình nhỏ của mình một cuộc sống đủ đầy?

   “Đánh thức khả năng giàu có” là một chuỗi những ngày và đêm trong khóa học mà một người Thầy nói đi nói lại “Phi thương bất phú” muốn giàu phải tạo ra sản phẩm và dịch vụ gì đặc biệt và cung cấp cho thị trường tiêu dùng hằng ngày, hằng giờ. Và các bạn có dám đánh đổi khó khăn và phản đối của xã hội bên ngoài để theo đuổi nó hay không.

   Và theo các bạn tôi có đánh đổi hay không. Câu trả lời là “Có”. Tôi tạm cất tấm bằng kỹ sư 5 năm học tại trường và cùng chiếc xe gắn máy rong ruổi những con đường quen thuộc ở Sài Gòn. Cái chợ mà tôi nhớ nhất thời sinh viên làm Robocon là Nhật Tảo, và giờ đi nhiều nhất cũng là chợ Nhật Tảo, vì chợ này cái gì cũng có, cũ - mới, đắt - rẻ, hàng chất lượng hay hàng Trung Quốc... đều có.

   Sống tại Sài Gòn hơn hai năm, tôi đã trải qua ba công việc chính và một vài công việc làm thử. Tôi đã mở quán cafe “Út Lụa” ở Bình Tân cùng bạn, tự mình nhập băng keo thô, thiết kế nhãn mác, tự gắn tự bọc tự bỏ mối ở nhiều con đường như An Dương Vương, Kim Dương Vương, Nhật Tảo, Nguyễn Văn Luông... tiếp đó là đầu quân cho một Công ty MLM, đa cấp. Và vài công việc kiếm vài đồng cafe và ăn sáng, xăng xe.

   Những công việc đầu đời khởi nghiệp khi triết lý “Phi thương bất phú” ngấm vào đầu đó các bạn. Và câu nói của Thầy “khi bạn thành công đời sẽ tha thứ cho bạn tất cả” để sau mỗi lần thất bại và cô đơn có đủ năng lượng mà đứng dậy.

   Quán cà phê tới tháng thứ ba thì không có khách, đóng cửa vì lắm thứ nảy sinh, nào là phí mặt bằng, điện  nước, thuế, nhân viên, phí giao lưu, cạnh tranh quán gần nhau.... ôi đủ thứ. Lúc đó mới biết kinh doanh không hề dễ - nhận ra điều này đã ngốn mất 50 triệu và nợ bảy triệu. Bản thân ngậm ngùi vì suy nghĩ không biết mình có hợp để kinh doanh không, hay ăn ít đi tý, bắt đầu đi làm công ty kiếm 8-10 triệu vậy cũng được rồi.

   Một lần nữa tôi lại cầm hồ sơ đi xin việc tại khu công nghiệp Phú Mỹ, Tân Thành, BRVT. Vì nghĩ BRVT mát mẻ dễ sống, mọi thứ rẻ hơn Sài Gòn. Bốn hồ sơ vào bốn công ty sau đó là chờ và đợi. Trong thời chờ đợi kết quả công ty phỏng vấn và về nhà người thân tôi nhận ra điều mình thất bại và mất tiền là do thiếu kiến thức cốt lõi và trải nghiệm. Nhưng cái hay nhận ra là mình được tự do về thời gian, không gian, tự chủ về tiền kiếm được. Cái cảm giác này rất lạ, mặc dù thất bại. Và không hiểu sao cái đầu nó cứ nghĩ tới kinh doanh. Đây là thời gian mình đọc sách xem chia sẻ kinh nghiệm và mô hình kinh doanh trên Youtube nhiều nhất.

CSV Sơn chụp hình lưu niệm với Thầy Minh - Phó bộ phận QHDN

   Cuối cùng, Công ty BlueScope Việt Nam chuyên sản xuất thép gọi phỏng vấn, đấu tranh tư tưởng và đưa ra quyết định lại một lần nữa theo kinh doanh, dù thất bại cũng phải làm một lần nữa.

    Đã không có kiến thức nền tảng đại học về kinh doanh, nay lại kinh doanh mà không có tay nghề, chưa từng làm về nó bao giờ. Lúc đó tôi chỉ có suy nghĩ là ngành này đang “hot” sẽ kiếm được tiền. Ngồi lọc ra vài mô hình phù hợp với người dân tại BRVT như buôn bán hàng tiêu dùng, vì ai sống mà không xài, bán rau sạch, thịt cá sạch, hay bán cá ở biển đưa đi Đồng Nai hay Bình Dương...rồi đến làm vài xe bánh mì trang trí lạ, bắt mắt để người ta chú ý và mua nhiều hơn.... nhưng những ý tưởng đó cứ đưa ra nhưng cuối cùng chọn ngành Spa, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Sau khi đi thăm dò và quan sát, tìm hiểu. Tôi phát hiện con người ai sinh ra và tồn tại và có cuộc sống đủ đầy, thì họ lại có nhu cầu về cuộc sống, ăn ngon, mặc đẹp, khỏe... và đặc biệt xu hướng hiện đại cái ăn giờ khác xưa không còn quá đề cao, thậm trí ăn kiêng. Vậy cái gì sẽ “hot” để đi, đó là sức khỏe và cái đẹp.

    Nể người Thầy, vì cái gì Thầy cũng biết, ông biết ông mới làm Thầy, và dạy mình. Nếm thêm vài lần thất bại trong ngành này, ngày nào ở nhà thì tiền còn nằm trong túi ra ngoài đường là hết. Lợi nhuận thì chẳng có bao nhiêu mà chi phí thì đụng đâu chi đó. Mà thường con người ta mất thì tiếc, sợ hãi lại cao lên, đồng nghĩa việc bị đả kích và xem thường của gia đình và bạn bè lại tỷ lệ thuận, thậm chí tiêu cực xung quanh tăng lên theo cấp số nhân. So sánh trong suy nghĩ trầy da tróc vảy mới kiếm lợi nhuận được 10% mà tiêu cực, chê bai, cười nhạo lại cả 100% thế này... Khi vui ai cũng vui cùng mình, khi gặp chuyện mình không dám về nhà, tự mình tách biệt khỏi đám bạn khác mục tiêu và suy nghĩ. Cô đơn lúc này thực sự là rất thấm.

“Phóng lao phải lao” còn gì nữa mà để mất, dừng lại bây giờ mới đáng khinh và “ăn” chửi và nhất là đi làm bao lâu mới kiếm được số tiền đã mất?

    Đó là suy nghĩ để tôi bước đi tiếp. Và thật may mắn cuối cùng ông trời cũng buông tha khó khăn cho tôi, Đường Tam Tạng chưa vượt qua đủ kiếp nạn thì không thể lấy được kinh thư. Và có lẽ kiếp nạn hay khó khăn trước tuổi 30 của tôi đã đủ ông trời đã bù lại cho tôi những thành quả ban đầu. Cơ sở kinh doanh của tôi ổn định và khách hàng đã giới thiệu nhau và tới chỗ tôi nhiều hơn, vì thế mà doanh thu cao hơn trước.

    Có tiền để trang trải và mở rộng, và mạnh tay làm chương trình để làm sự kiện và khuyến mãi để khách hàng xa gần biết đến và tin tưởng hơn, một năm sau kết quả thật bất ngờ. Và nay tôi đã có ba cơ sở kinh doanh tại BRVT, ngày trước chỉ dám thuê nhà trong đường nhánh, giờ cả ba cửa hàng đều nằm ngay mặt chợ cạnh với các thương hiệu lớn như Thế giới di động, FPT shop, ngân hàng...

Suy nghĩ của tôi là khi nào nhân viên còn cầm điện thoại xem phim thì tôi cần phải tìm cách để khách hàng đến với cửa hàng nhiều hơn. 2018 tôi đã có ba lần làm chương trình ngoài trời, thay vì khách tự tìm đến tôi thì tên cửa hàng và phiếu quà tặng của tôi đã có mặt tại nhà khách hàng và các giỏ hàng khi khách hàng đi chợ.

    Để tiện cho khách hàng tìm hiểu thông tin cũng như nắm bắt được các chương trình bên cửa hàng. Giờ đây khách hàng có thể vào website, facebook, fanpage. Ban đầu chạy quảng cáo trên mạng xã hội đã vượt hơn cả mong đợi khi cả khách hàng ngoài Hà Nội, Thái Nguyên hay Lào Cai cũng đặt hàng qua mạng. Hay những khách hàng từ Đồng Nai chạy xe máy xuống cửa hàng để chăm sóc dưỡng sinh cơ thể, bảo vệ sức khỏe mình.

    Nói về kết quả và về bản thân trong thời gian này tôi cảm thấy mình khá may mắn và hạnh phúc, ở tuổi 29 tôi cũng tự thưởng cho mình một chiếc xe hơi, niềm ao ước được tự mình lái và cảm nhận cảm xúc bản thân trên từng km đường dài. 30 tuổi tôi chính thức lập gia đình để tìm người chia sẻ khó khăn và đam mê kinh doanh cùng mình. Và thật may mắn năm 31 tuổi tôi cũng đủ tiền để mua đất và xây cho mình một căn nhà mà hai năm trước tôi đã nhờ công ty kiến trúc thiết kế riêng theo tính cách và sở thích của mình. Tôi cũng như bao người khác mong muốn có một căn nhà nhiều tiếng cười và hạnh phúc.

     Hiện tại cuộc sống tôi đã tạm ổn định. Giờ tôi muốn phát triển hơn nữa mô hình kinh doanh trong lĩnh vực  dịch vụ sức khỏe và sắc đẹp  này. Tôi muốn mình phải mạnh hơn và rộng hơn. Có thể phủ hết các huyện ở BRVT sau đó có thể là Đồng Nai và Bình Dương...

    Mong muốn hiện tại của tôi là có thể hỗ trợ và đảm bảo cuộc sống cho nhân viên của tôi tốt nhất, và mong muốn hợp tác cũng như gặp gỡ với nhiều bạn trẻ có khát khao khởi nghiệp có trí tuệ và óc sáng tạo để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt nhất. Sau đó là mở thêm được hai cửa hàng nữa tại hai huyện Xuyên Mộc và Tân Thành của BRVT.

    Ngẫm lại quá trình của mình thì tôi thấy mình hợp với hai chữ “Nhẫn” và “Liều”. Đủ kiên trì và nhẫn nại, không bỏ cuộc, dám đối diện với hiện tại và quá khứ để tiến lên. Liều vì sống giữa sự phản đối, chê bai, không sợ khổ, không sợ mất tiền hay mất tuổi trẻ, Liều làm điều mình muốn. Chắc đây cũng là sứ mạng cuộc đời này tôi phải hoàn thành. Chắc chắn sẽ còn rất nhiều khó khăn và sự cạnh tranh trước mắt có thể là “một sống hai chết” nhưng ngọn lửa trong tôi chưa bao giờ tắt, tôi sẽ còn chiến và chiến đẹp.


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  366,479       1/735