Tin tức

Bệnh trĩ (phần 1)

 

  1. ĐỊNH NGHĨA

  • Trĩ nội xuất phát từ đám rối tĩnh mạch trĩ trên ở phía trên của đường lược. Thường có 3 búi chính ở các vị trí 3 giờ (trái), 8 giờ (phải sau) và 11 giờ (phải trước). Ngoài ra còn có các búi trĩ phụ nằm giữa các búi trĩ chính.
  • Trĩ ngoại xuất phát từ đám rối tĩnh mạch trĩ dưới ở phía dưới đường lược, và do da che phủ. Đám rối tĩnh mạch trĩ trên đổ về tĩnh mạch trĩ trên và hệ cửa, trong khi đó đám rối tĩnh mạch trĩ dưới đổ về hệ chủ. Hai đám rối này có thông nối với nhau.
  • Trĩ hỗn hợp: khi trĩ nội và trĩ ngoại liên kết với nhau gọi là trĩ hỗn hợp.
  • Trĩ vòng: khi các búi trĩ chính và phụ liên kết với nhau.

Hình 1. Trĩ nội và trĩ ngoại

 

Hình 2. Trĩ hỗn hợp

 

  1. DỊCH TỄ HỌC

Bệnh trĩ là bệnh thường gặp ở mọi nước trên thế giới. Nhiều thống kê ở nước ngoài cho thấy tỷ lệ bệnh ở người trên 50 tuổi là 50% và có khoảng 5% dân số mắc bệnh trĩ. Xuất độ bệnh trĩ gia tăng theo tuổi. Tỷ lệ bệnh trĩ ở phái nam gấp đôi phái nữ.

Nghiên cứu thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh trĩ ở Ethiopia là 13,1% (2021); Israel là 16% (2009) và Hàn Quốc là 14,4%  (2014); Ai Cập là 18% (2011) và Áo là 38,9% (2019).

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh trĩ là 55% ở các tỉnh phía Bắc (Nguyễn Mạnh Nhâm, 2004) và 18,77% ở nhóm trên 50 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh (Trần Thiện Hoà, 2006).

Hình 3. Các yếu tố nguy cơ của bệnh trĩ

Yếu tố nguy cơ

  • Viêm đại tràng mạn tính và táo bón kinh niên. 
  • Tăng áp lực trong xoang bụng: viêm phế quản mạn tính, dãn phế quản; làm việc nặng như khuân vác…
  • Tư thế đứng: nhân viên bán hàng, thư ký bàn giấy, thợ may… 
  • Chẹn tĩnh mạch: ung thư trực tràng, u bướu vùng tiểu khung, thai nhiều tháng…
  1. SINH LÝ BỆNH

Sự ứ huyết và phì đại đệm trĩ trên đường lược gây ra trĩ nội. Vì có sự thông nối với những tĩnh mạch nằm dưới đường lược, nên trĩ ngoại có thể xuất hiện. Những đợt ứ huyết tĩnh mạch lặp đi lặp lại làm giãn niêm mạc và da tầng sinh môn và sa xuống dưới.

Một số cơ chế bệnh sinh gây nên bệnh trĩ:

  • Rối loạn điều hòa shunt động tĩnh mạch tại vị trí các đệm hậu môn.

  • Dòng máu trở về qua ngả tĩnh mạch trĩ trên không tốt làm cho đệm trĩ lớn dần.

  • Tăng áp lực ổ bụng khi bón, khi tiểu khó và lúc mang thai làm cản trở hồi lưu tĩnh mạch làm cho các đệm trĩ lớn dần.

  • Tăng trương lực cơ thắt kéo dài làm giảm lượng máu trở về qua shunt xuyên cơ thắt cũng làm cho đệm trĩ dãn ra.

  1. TRIỆU CHỨNG

Hình 4. Các triệu chứng của bệnh trĩ

  • Chảy máu

Là triệu chứng thường gặp nhất. Lúc đầu máu chảy kín đáo, có thể dính vào giấy vệ sinh hoặc có vài vệt máu dính vào cục phân cứng. Nặng hơn, máu có thể chảy thành giọt và thậm chí có thể chảy thành tia như cắt cổ gà.

  • Sa trĩ

Cũng là triệu chứng thường gặp. Dựa vào mức độ sa của trĩ nội, người ta chia ra làm 4 độ 



 

Bảng 1. Phân độ trĩ nội

Trĩ sa độ 3 và độ 4 làm bệnh nhân rất khó chịu ở hậu môn và hậu môn thường bị ướt.

  • Đau

Là triệu chứng ít gặp hơn. Đau có thể do:

  • Tắc mạch: trong búi trĩ xuất hiện các cục máu đông nhỏ. Bệnh nhân thường ngồi một bên mông.
  • Sa trĩ nghẹt: làm búi trĩ phù nề, sưng to.
  • Nứt hậu môn đi kèm: nứt hậu môn cũng do phải rặn mạnh. Một khi có nứt hậu môn, bệnh nhân than rất đau.
  • Ổ áp-xe đi kèm: ổ áp-xe nằm ngay dưới niêm mạc hay nằm trong hố ngồi hậu môn.

Trĩ nội: độ 1 và độ 2 thường không nhìn thấy gì. Đối với trĩ độ 3 nếu banh rộng mép hậu môn hoặc yêu cầu bệnh nhân rặn mạnh, có thể thấy các búi trĩ màu tím, phồng lên, 3 vị trí của các búi trĩ chính ở 4, 8 và 11 giờ. Độ 4 các búi trĩ thường xuyên lòi ra ngoài, nếu sa nhiều và cả 2 bên trông giống như bông hồng.

Trĩ ngoại: Nhìn thấy ở rìa lỗ hậu môn những chỗ phồng lên, làm da mất nếp nhăn và tùy theo giai đoạn của bệnh có thể thấy biến chứng tắc mạch, nhiễm trùng hay xơ hóa tạo thành các mẩu da thừa.

  1. BIẾN CHỨNG

Hình 5. Các biến chứng của bệnh trĩ

  • Nhiễm trùng: Viêm nhú (papillitis) và khe (cryptitis)

Biểu hiện lâm sàng bởi cảm giác nóng rát và ngứa ở hậu môn. Thăm trực tràng rất đau và thấy cơ thắt giãn nở kém. Soi hậu môn, thấy các nhú bị phù nề, màu trắng, các khe nằm giữa các búi trĩ bị loét nông, màu đỏ.

  • Nghẽn mạch (thrombosed)

Khi có các cục máu đông được hình thành trong các búi trĩ. Biểu hiện là khối sưng đau quanh hậu môn, đau nhiều nhất trong 48 giờ đầu, giảm nhiều sau 4 ngày (bệnh ngày 5). Nếu diễn tiến tự nhiên, áp lực từ cục máu đông bên dưới gây hoại tử da quanh búi trĩ và cục máu đông bị đẩy ra hay cục máu đông sẽ tiêu dần và bệnh khỏi sau 10 - 14 ngày. Vài ba tuần sau hình thành một mẩu da thừa.

  • Trĩ nội: Đau nhiều, có cảm giác như có vật lạ nằm trong ống hậu môn. Thăm trực tràng, sờ thấy một cục tròn, nhỏ, cứng và rất đau. Soi hậu môn thấy những cục nổi lên, màu tím.
  • Trĩ ngoại: Đau nhiều hơn trĩ nội thuyên tắc. Nhìn thấy một khối sưng phồng lên, màu xanh tái làm mất nếp nhăn da ở hậu môn. Sờ vào rất đau. Nếu được rạch sẽ thấy cục máu đông nhỏ bật ra và bệnh nhân thấy đỡ đau ngay.
  • Sa và nghẹt búi trĩ

Trĩ nội trong lòng ống hậu môn có thể bị sa ra ngoài và bị kẹt không trở vào ống hậu môn được. Khối trĩ bị nghẹt có thể một phần hoặc toàn bộ.

  • Xơ hóa

Các búi trĩ khi bị xơ hóa sẽ trở thành các mẩu da thừa. Mẩu da thừa không đau, không gây chảy máu, chúng chỉ gây vướng hoặc hơi khó khăn cho vệ sinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đình Hối: Bệnh trĩ. Hậu môn trực tràng học. NXB Y Học 2002; 73: 105.
  2. Nguyễn Đình Hối, Dương Phước Hưng. Quan niệm mới về điều trị bệnh trĩ, y học TP Hồ Chí Minh, Tập 8, số 2, 2004.
  3. "Phác đồ điều trị bệnh trĩ tại bệnh viện Y Học Cổ Truyền Tiền Giang”, Ban hành theo quyết định số 163/QĐ-YHCT ngày 10 tháng 07 năm 2020 của giám đốc BV YHCT Tiền Giang. Chi tiết tin. (n.d.). Gov.vn. Retrieved October 20, 2024, from http://bvyhct.soytetiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin/-/asset_publisher/29ln4vgO4hAX/content/14-phac-o-ieu-tri-benh-tri
  4. Thomas R. Russel: Anorectum, hemorrhoids. Current surgical diagnosis and treatment 10th ed 1994; 693: 697
  5. Colon and rectal syrgery-Anorectal Operations (2012). Steven D. Wexner, James W. Fleshman.
  6. Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Ngọc Ánh. Tình hình bệnh trĩ trong cộng đồng và một số yếu tố liên quan. Tạp chí Y học Việt Nam, 2023, 529.1B.
  7. Tutino, Roberta, et al. "A stepwise proposal for low-grade hemorrhoidal disease: injection sclerotherapy as a first-line treatment and rubber band ligation for persistent relapses." Frontiers in Surgery 8 (2022): 782800.
  8. Rubbini, Michele, and Simona Ascanelli. "Classification and guidelines of hemorrhoidal disease: present and future." World journal of gastrointestinal surgery 11.3 (2019): 117.
  9. Pata, Francesco, et al. "Evolution of surgical management of hemorrhoidal disease: an historical overview." Frontiers in Surgery 8 (2021): 727059.

ThS. Kim Ngọc Sơn

ThS. Ong Thị Tuyết

Khoa Dược

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        2,284,199       1/781