Hỗ trợ cộng đồng

Khoa Dược  »  Nghiên cứu khoa học  »  Hỗ trợ cộng đồng


Bệnh trĩ (phần 2)

  1.  ĐIỀU TRỊ

6.1 Nguyên tắc điều trị 

  • Chỉ điều trị trĩ bệnh lý.
  • Khi có ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động.
  • Chỉ phẫu thuật khi điều trị nội khoa và làm thủ thuật thất bại hay có biến chứng.

6.2 Điều trị trĩ bằng y học hiện đại

6.2.1 Điều trị nội khoa

Tất cả trĩ nội độ 1 và độ 2 đều có thể điều trị nội bằng các thuốc dùng tại chỗ và chế độ ăn.

  • Chế độ ăn nhiều chất xơ (rau, trái cây), uống nhiều nước.
  • Một số thuốc nhuận tràng đường uống hoặc bơm vào hậu môn, có thể dùng để giúp đi cầu được dễ dàng, chẳng hạn như Fructines, Forlax, Microlax, Normacol…
  • Các loại thuốc đặt hoặc kem bơm vào ống hậu môn chỉ có tác dụng giảm đau và làm săn se niêm mạc. Thuốc làm bền thành mạch: daflon; mastu – S và mastu – S forte; proctolog; procto – glyvenol; preparation – H…
  • Đối với trĩ nội sa, phù nề nhiều, nên thử đẩy nhẹ búi trĩ vào ống hậu môn, bôi thuốc làm săn niêm mạc, bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường và ngâm hậu môn bằng nước ấm.

6.2.2 Chích xơ 

  • Nguyên tắc: chích dung dịch hoá học gây xơ ví dụ phenol 5% trong dầu thực vật, hay polidocalol vào lớp dưới niêm mạc vào mô đệm lỏng lẻo phía trên búi trĩ, thuốc sẽ gây viêm, xơ hóa dính vào lớp cơ dưới niêm mạc. Làm giảm lượng máu tới búi trĩ làm teo búi trĩ.
  • Kỹ thuật: soi hậu môn, lấy 2 ml dung dịch gây xơ chích phía trên đường lược ngay gốc búi trĩ nội vào lớp dưới niêm mạc.
  • Biến chứng: loét, áp-xe, viêm tiền liệt tuyến và dị ứng với thuốc.
  • Chỉ định: trĩ nội độ 1 và 2.

Hình 6. Phương pháp điều trị trĩ: chích xơ và cột bằng dây cao su

6.2.3 Cột bằng dây cao su 

  • Nguyên tắc: dây thun thắt vào gốc búi trĩ ngay vùng niêm mạc sẽ gây thiếu máu, hoại tử và hóa xơ trong vài ngày.
  • Kỹ thuật: soi hậu môn kẹp búi trĩ và cột dây thun bằng dụng cụ cột (ligator) ngay gốc búi trĩ ở vùng niêm mạc. Nên cột mỗi lần một búi, sau 2 – 4 tuần sẽ làm tiếp.
  • Biến chứng: đau nếu cột không đúng kỹ thuật – khi cột phía dưới đường lược. Ngoài ra, nhiễm trùng và chảy máu cũng có thể xảy ra. Chảy máu thường xảy ra vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 10.
  • Chỉ định: Trĩ nội độ 2 và 3.

6.2.4 Làm đông lạnh 

  • Nguyên tắc: gây đông lạnh làm hoại tử búi trĩ.
  • Kỹ thuật: soi hậu môn, đưa cryoprobe giữ lấy búi trĩ, mở máy phát ra nhiệt độ lạnh bằng CO2 hoặc N2O tới  600 – 1500 C trong vòng 10 – 15 phút. Có thể làm tất cả các búi trĩ trong một lần.
  • Biến chứng: bất tiện chính là chảy dịch ở hậu môn sau thủ thuật 3 giờ và có thể kéo dài 4 – 6 tuần lễ. Kế đó là biến chứng chảy máu, với xuất độ 3%. Ngoài ra kết quả tốt chỉ đạt từ 45% - 88%. 
  • Chỉ định: Trĩ nội độ 1 và 2.

6.2.5 Phẫu thuật

Nguyên tắc: cắt và cột sát gốc của búi trĩ, tránh hẹp hậu môn và không làm tổn thương cơ thắt.

Phương pháp Milligan – Morgan: cắt các búi trĩ chính chừa lại các cầu da niêm giữa các búi trĩ này.

Hình 7. Phẫu thuật điều trị trĩ: phương pháp Milligan – Morgan

Phương pháp Ferguson hay cắt trĩ kín. Cắt trĩ từng búi khâu lại phần da niêm đã cắt. 

Hình 8. Phẫu thuật điều trị trĩ: phương pháp Ferguson

Phẫu thuật Whitehead: Nguyên tắc là cắt khoanh niêm mạc và lớp dưới niêm có các búi tĩnh mạch trĩ sau đó kéo niêm mạc phía trên khâu với da hậu môn. Phương pháp này có nhiều biến chứng như đau nhiều, tiêu không tự chủ, rỉ dịch hậu môn hay hẹp hậu môn nên ngày nay ít sử dụng.

Phương pháp treo hậu môn của Longo 

  • Nguyên tắc: cắt vòng niêm mạc trực tràng làm giảm lượng máu tới đám rối tĩnh mạch trĩ làm nhỏ thể tích búi trĩ và treo được đệm hậu môn vào ống hậu môn và khâu nối bằng dụng cụ 33 mm stapler.
  • Chỉ định cho trĩ nội độ 2, 3.

Khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler

Phương pháp này được Kazumasa Morinaga thực hiện lần đầu năm 1995. Dùng đầu dò siêu âm Doppler tìm 6 động mạch là các nhánh tận động mạch trực tràng trên và các nhánh này được khâu cột trên đường lược 2 cm. Làm giảm lượng máu tới các búi trĩ làm nhỏ thể tích búi trĩ và bảo tồn được đệm hậu môn.

Hình 9. Phẫu thuật điều trị trĩ: phương pháp khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler

Biến chứng sau phẫu thuật

  • Bí tiểu: thường gặp nhất.

  • Chảy máu: Chảy máu sớm sau mổ trong 48 giờ đầu tỉ lệ 1-2%. Chảy máu muộn khoảng 7-10 ngày do nhiễm trùng, hoại tử rụng cuống búi trĩ.

  • Đau sau mổ do phẫu thuật ở vùng có cảm giác đau nhiều và có thể khâu vào cơ thắt.

  • Phù nề hay chậm lành vết thương.

  • Tiêu không kiểm soát do cắt làm tổn thương cơ thắt.

Chăm sóc sau phẫu thuật

  • Giảm đau: NSAID, paracetamol.

  • Kháng sinh: Ampicilin 1 g x 2 + Gentamycin 0,08 g / ngày x 5-7 ngày. Metronidazol 500 mg 3 lần/ ngày x 5-7 ngày.

  • Thuốc nhuận tràng.

  • Ngâm hậu môn (sitz bath) 2 lần một ngày.

  • Thăm ống hậu môn mỗi ngày 1 lần bằng ngón tay để tránh hẹp hậu môn.

6.3 Điều trị trĩ bằng y học cổ truyền

6.3.1 Bệnh trĩ theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền (YHCT), nguyên nhân gây ra bệnh trĩ là do ăn đồ cay nóng hay táo bón kéo dài làm cho phong, thấp, táo, nhiệt nội sinh rồi kết tụ ở trực tràng hậu môn. Xơ gan, phụ nữ có thai dùng sức khi sanh đẻ; hoặc ngồi lâu, đi xa, khuân vác nặng nề làm cho kinh lạc ứ trệ, khí huyết vận hành không thông mà gây thành búi trĩ, cũng có người già hoặc cơ thể suy nhược, tả lỵ lâu ngày dẫn đến hạ tiêu hư thoát mà thành trĩ.

YHCT chia trĩ nội ra làm 6 thể

  • Trĩ nội thể ứ trệ: hậu môn thốn, tức nặng.

  • Trĩ nội thể huyết ứ: trĩ có xung huyết.

  • Trĩ nội thể thấp nhiệt: trĩ có thấp phối hợp với nhiệt.

  • Trĩ nội thể nhiệt độc: trĩ ứ huyết lâu ngày phối hợp với nhiệt độc.

  • Trĩ nội thể khí huyết suy: trĩ có tiêu máu nhiều lần, lâu ngày hoặc kèm theo một số bệnh toàn thân.

  • Trĩ nội thể tỳ khí suy: thường gặp ở người già, bệnh tái phát nhiều lần.

YHCT chia trĩ ngoại ra làm 3 thể

  • Trĩ ngoại đơn thuần  (trĩ ngoại độ I – độ II) gọi là huyết ứ.

  • Trĩ ngoại tắc nghẽn (trĩ ngoại độ III) gọi là nhiệt độc.

  • Trĩ ngoại có biến chứng viêm loét (trĩ ngoại độ IV) gọi là thấp nhiệt.

6.3.2 Điều trị chung cho các thể

Dùng mật ong 1,5 g bơm vào ống hậu môn ngày 1 lần.

Phèn chua (bạch phèn) 10 g hoặc thực diêm 30 g pha trong 3 lít nước ấm chia 3 lần/ngày, ngâm hậu môn, mỗi lần ngâm 10 - 15 phút.

6.3.3 Trĩ nội thể huyết ứ - khí trệ 

(Trĩ độ I, II, III không có biến chứng)

Pháp trị: tư âm, lương huyết, thanh nhiệt, hoạt huyết, chỉ huyết.

Nếu có táo bón gia: hắc chi ma 20 g, hoặc lá muồng 6 g.

Đại tiện ra máu nhiều gia: hắc địa du 12 g, hắc kinh giới 16 g, hắc  hạn liên 16 g (không dùng hạn liên thảo).

6.3.4 Trĩ nội thể nhiệt độc 

(Trĩ nội có biến chứng)

Pháp trị: hoạt huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, tiêu viêm chỉ thống.

Gia: kim ngân hoa 12 g, liên kiều 10 g, bồ công anh 10 g; hoặc gia: sài đất 12 g,  bồ công anh 12 g. 

Nếu có táo bón gia: hắc chi ma 20 g, hoặc lá muồng 6 g.

Đại tiện ra máu gia: hắc địa du 12 g, hắc kinh giới 16 g, hắc hạn liên 16 g.

Nếu sưng đau nhiều gia: đan sâm 12 g, bạch chỉ 10 g.

6.3.5 Trĩ nội thể khí huyết suy 

(Trĩ nội độ I, II, III có tiêu máu nhiều lần, hoặc kèm các bệnh toàn thân khác gây suy nhược cơ thể)

Pháp trị: bổ khí huyết, chỉ huyết.

Nếu có táo bón gia: hắc chi ma 20 g, hoặc lá muồng 6 g

Đại tiện ra máu nhiều gia: hắc địa du 12 g, hắc kinh giới 16 g, hắc hạn liên 16 g.

6.3.6 Trĩ nội thể tỳ khí suy 

(trĩ nội độ IV, trĩ vòng)

Pháp trị: kiện tỳ bổ khí, hành khí thăng đề.

Nếu có táo bón gia: hắc chi ma 20 g, hoặc lá muồng 6 g.

Đại tiện ra máu gia: hắc kinh giới 16 g, hắc địa du 10 g, hắc chi tử 6 g.

6.3.7 Trĩ ngoại thể nhiệt độc 

(Trĩ ngoại tắc mạch cấp: trĩ ngoại độ III)

Pháp trị: hoạt huyết chỉ huyết, thanh nhiệt, tiêu viêm chỉ thống.

Bài thuốc: đào hồng tứ vật thang gia giảm.

Gia: kim ngân hoa 12 g, liên kiều 10 g, bồ công anh 10 g; hoặc sài đất 12 g, 

bồ công anh 12 g.

Nếu có táo bón gia: hắc chi ma 20 g, hoặc lá muồng 6 g.

Đại tiện ra máu gia: hắc địa du 12 g, hắc kinh giới 16 g, hắc hạn liên 16 g.

Nếu sưng đau nhiều gia: đan sâm 12 g, bạch chỉ 10 g.

6.3.8 Trĩ ngoại thể huyết ứ 

(độ I và độ II )

Pháp trị: hoạt huyết, bổ khí, hành ứ.

Nếu có táo bón gia: hắc chi ma 20 g, hoặc lá muồng 6 g.

6.3.9 Trĩ ngoại thể thấp nhiệt 

(Trĩ ngoại độ IV)

Pháp trị: thanh thấp nhiệt hoạt huyết chỉ thống.

Nếu có táo bón gia: hắc chi ma 20 g, hoặc lá muồng 6 g.

  1. DỰ PHÒNG

  • Phát hiện bệnh trĩ ở giai đoạn sớm: chảy máu trực tràng.
  • Khám và điều trị các bệnh lý làm tăng áp lực ổ bụng như viêm phế quản, ho, viêm đại tràng..
  • Tránh táo bón bằng uống đủ nước, chế độ ăn nhiều rau xanh và các loại trái cây tươi, đặc biệt là đu đủ, cam, quít, bưởi.
  • Tập luyện và giải quyết các yếu tố có liên quan đến bệnh trĩ.
  • Hạn chế thức ăn cay nóng kích thích, các chất gây táo bón nhất là ớt, rượu, café…
  • Hạn chế ngồi lâu, mang vác nặng.
  • Theo dõi và chăm sóc tốt sau phẫu thuật để phòng ngừa các biến chứng như hẹp hậu môn và kịp thời phát hiện các biến chứng nếu có.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đình Hối: Bệnh trĩ. Hậu môn trực tràng học. NXB Y Học 2002; 73: 105.
  2. Nguyễn Đình Hối, Dương Phước Hưng. Quan niệm mới về điều trị bệnh trĩ, y học TP Hồ Chí Minh, Tập 8, số 2, 2004.
  3. "Phác đồ điều trị bệnh trĩ tại bệnh viện Y Học Cổ Truyền Tiền Giang”, Ban hành theo quyết định số 163/QĐ-YHCT ngày 10 tháng 07 năm 2020 của giám đốc BV YHCT Tiền Giang. Chi tiết tin. (n.d.). Gov.vn. Retrieved October 20, 2024, from http://bvyhct.soytetiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin/-/asset_publisher/29ln4vgO4hAX/content/14-phac-o-ieu-tri-benh-tri
  4. Thomas R. Russel: Anorectum, hemorrhoids. Current surgical diagnosis and treatment 10th ed 1994; 693: 697
  5. Colon and rectal syrgery-Anorectal Operations (2012). Steven D. Wexner, James W. Fleshman.
  6. Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Ngọc Ánh. Tình hình bệnh trĩ trong cộng đồng và một số yếu tố liên quan. Tạp chí Y học Việt Nam, 2023, 529.1B.
  7. Tutino, Roberta, et al. "A stepwise proposal for low-grade hemorrhoidal disease: injection sclerotherapy as a first-line treatment and rubber band ligation for persistent relapses." Frontiers in Surgery 8 (2022): 782800.
  8. Rubbini, Michele, and Simona Ascanelli. "Classification and guidelines of hemorrhoidal disease: present and future." World journal of gastrointestinal surgery 11.3 (2019): 117.
  9. Pata, Francesco, et al. "Evolution of surgical management of hemorrhoidal disease: an historical overview." Frontiers in Surgery 8 (2021): 727059.

ThS. Kim Ngọc Sơn

ThS. Ong Thị Tuyết


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  94,378       1/701