Tuyển sinh Đại học

Những thay đổi về điểm thi THPT Quốc Gia 2019

Năm 2019, cả nước có hơn 887.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc Gia 2019, giảm gần 39.000 so với năm ngoái. Trong đó, hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm; gần 234.000 em chỉ dùng kết quả thi để xét tốt nghiệp. Hà Nội và TP HCM có nhiều thí sinh dự thi nhất với lần lượt hơn 74.200 và 70.400. Bắc Kạn có ít nhất, chỉ hơn 2.800 em.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 tại TP HCM

Xu hướng chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội tiếp tục tăng so với năm 2018 với hơn 561.000 thí sinh đăng ký. Số thí sinh thi bài Khoa học tự nhiên gần 330.000 (giảm gần 13%). Nhiều giáo viên cho rằng đây là lựa chọn phù hợp với những em chỉ dùng kết quả để xét tốt nghiệp. Các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân không khó vượt qua điểm liệt vì nội dung gần gũi, được sử dụng Atlat.

Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), giải thích thêm chỉ cần thi ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và tổ hợp Khoa học xã hội trong kỳ thi THPT Quốc Gia 2019, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành nghề.

Điểm trung bình các môn đều tăng

Những phàn nàn về đề thi quá khó làm điểm trung bình các môn giảm mạnh trong năm 2018 khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải điều chỉnh trong năm 2019, với mục tiêu chính của kỳ thi THPT Quốc Gia là xét tốt nghiệp. Kết quả, trong 9 môn thi, chỉ 3 môn có điểm trung bình dưới 5, giảm một nửa so với năm ngoái.

Các môn thi có điểm trung bình tăng từ 0,04 đến 0,78. Giáo dục công dân tiếp tục ở vị trí cao nhất và cũng là môn duy nhất đạt trên 7 (7,37). Đây được coi là môn cứu cánh khi xét tốt nghiệp THPT.

Ba môn Sinh học, Tiếng Anh và Lịch sử đứng cuối với lần lượt 4,68; 4,36 và 4,3 điểm. Môn Lịch sử và Tiếng Anh có phổ điểm rất xấu với đồ thị lệch sang trái, đồng nghĩa với nhiều bài thi bị điểm dưới 5.

Nam Định dẫn đầu cả nước về điểm trung bình

Nếu như năm 2018, chỉ 27 tỉnh thành có điểm trung bình các môn từ 5 trở lên thì năm nay đã lên tới 55 tỉnh, thành. Từ vị trí thứ hai năm ngoái với 5,45 điểm trung bình, Nam Định vượt qua Hà Nam, vươn lên dẫn đầu cả nước với 5,873 điểm. Nam Định cũng đứng đầu ở điểm trung bình môn Toán và Hóa học.

Xếp ngay sau là Hà Nam với điểm trung bình trong kỳ thi THPT Quốc Gia 2019 đạt 5,846. Ba tỉnh thành còn lại trong top 5 gồm TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình và Bình Dương. Trong đó, Bình Dương đã tăng một bậc để vào top 5. Tỉnh năm ngoái đứng thứ 5 là Vĩnh Phúc đã tụt năm bậc và xếp thứ 10.

Trong nhóm thành phố trực thuộc trung ương, TP HCM có thành tích tốt nhất, xếp thứ ba cả nước với điểm trung bình 9 môn là 5,793. Hải Phòng và Cần Thơ lần lượt xếp vị trí số 7 và 8 trong khi Hà Nội đứng thứ 17 và Đà Nẵng thứ 31.

Nhóm năm địa phương có thành tích bết bát nhất gồm bốn tỉnh miền núi phía Bắc là Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng và một tỉnh Tây Nguyên - Đăk Lăk.

Số điểm 10 tăng gần gấp 3 năm ngoái, Hà Giang vắng bóng

Năm 2019, cả nước có 1.285 thí sinh đạt điểm 10 ở chín môn trong kỳ thi THPT Quốc Gia 2019, nhiều gấp 2,6 lần so với năm 2018. Giáo dục công dân vẫn là môn học có nhiều điểm tuyệt đối nhất với 784 bài thi, sau đó là tiếng Anh (314). Ngữ văn - môn tự luận duy nhất không có điểm 10.

Tính theo tỉnh thành, với số lượng thí sinh đông nhất cả nước, Hà Nội có nhiều điểm 10 nhất với 166 bài thi, trong đó có tới 113 bài ở môn Ngoại ngữ. TP HCM xếp thứ hai với 126 bài. Top 5 tỉnh thành có nhiều điểm 10 nhất còn có Hải Phòng (80), Phú Thọ (76) và Vĩnh Phúc (43).

Có hai tỉnh chỉ có một điểm 10 là Lai Châu và Quảng Nam, đều thuộc môn Giáo dục công dân. Hà Giang không có điểm tuyệt đối nào. Số điểm giỏi của tỉnh này cũng thấp nhất cả nước. Với 5.155 thí sinh dự thi, hơn 30.500 bài thi có điểm, số bài thi đạt điểm từ 8 trở lên của Hà Giang chỉ là 1.039 (đạt 3,4%).

Điểm liệt môn Ngữ văn cao đột biến

Năm 2019, cả nước có 3.147 bài thi bị điểm liệt (từ 1 trở xuống), giảm hơn 1.440 bài so với năm 2018. Theo quy chế, những thí sinh bị điểm liệt một trong ba bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ hoặc một môn thi trong tổ hợp dùng để xét tốt nghiệp THPT bị liệt sẽ trượt tốt nghiệp.

Ngữ văn - môn thi tưởng chừng dễ "thoát liệt" lại có số lượng thí sinh bị điểm liệt cao nhất trong 9 môn thi với 1.265 bài. Đứng thứ hai là Tiếng Anh với số điểm liệt 749. Giáo dục công dân có ít điểm từ 1 trở xuống nhất với chỉ 11 bài.

Cùng với điểm liệt, số bài trong kỳ thi THPT Quốc Gia 2019 bị điểm dưới trung bình giảm hẳn. Môn Lịch sử vẫn có lượng bài thi điểm kém cao nhất nhưng đã giảm từ 83,24% xuống còn 70,01%. Môn Tiếng Anh từ 78,22% xuống 68,74%. Ngay cả môn Giáo dục công dân năm ngoái có tỷ lệ rất thấp - chỉ 4,93%, năm nay tiếp tục giảm gần 1%.

Môn Ngoại ngữ thể hiện rõ sự phân hóa vùng miền

Qua nhiều năm, môn Ngoại ngữ của kỳ thi THPT Quốc Gia 2019 vẫn cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa học sinh thành thị với các tỉnh nông thôn, miền núi.

Trong top 10, có 6 tỉnh thuộc khu vực phía nam gồm TP HCM (dẫn đầu), Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bình Thuận và Đồng Nai. Ba tỉnh thành phía bắc góp mặt là Hà Nội, Nam Định và Hải Phòng. Miền Trung có một đại diện là Đà Nẵng. Thành phố trực thuộc trung ương còn lại là Cần Thơ xếp thứ 17 - vị trí tương đối cao trong danh sách 63 tỉnh thành.

Nhóm thấp nhất vẫn là những cái tên quen thuộc ở miền núi phía bắc như Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang hay Cao Bằng. Điểm trung bình môn Ngoại ngữ của Sơn La thậm chí không đạt 3, thấp hơn năm ngoái trong khi đề được đánh giá dễ hơn.

Những tỉnh có truyền thống hiếu học ở dải đất miền Trung nhưng có điều kiện khó khăn như Nghệ An, Hà Tĩnh cũng chỉ đứng thứ 48 và 49. Thanh Hóa - tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ thậm chí thuộc top 10 tỉnh thành kém nhất.

Được tiếp xúc với nhiều học sinh cả nước qua các bài giảng trực tuyến, cô Nguyễn Thanh Hương, giáo viên Tiếng Anh của HOCMAI, cho rằng điểm tiếng Anh có sự phân hóa lớn là do quan điểm và nhận thức ở từng khu vực. Ví dụ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM hay Hải Phòng, cả nhà trường, phụ huynh và học sinh đều nhận thức tiếng Anh rất quan trọng. Họ nhận định tiếng Anh sẽ giúp công việc của con sau này tốt hơn.

Điều kiện để học tập của những tỉnh kinh tế - xã hội phát triển cũng tốt, từ việc tiếp xúc với các trung tâm ngoại ngữ, giáo viên bản địa, giáo viên có năng lực, nguồn học liệu dồi dào, từ đó chất lượng học sinh tốt hơn.

Với học sinh ở một số vùng khó khăn về kinh tế - xã hội, việc học tiếng Anh hạn chế, từ nguồn tài liệu, công nghệ. Nhiều em chia sẻ một số giáo viên phát âm chưa chuẩn, có nhiều điều các bạn chưa hài lòng.

"Những khó khăn trong việc học tiếng Anh khiến nhiều em không lựa chọn môn này để xét tuyển đại học. Một số vùng đất học như Nghệ An hay Hà Tĩnh, học sinh nhà có hoàn cảnh khó khăn mà ham học thường chọn môn tự nhiên. Khi quá tập trung vào các môn để thi đại học, học sinh sẽ lơ là môn còn lại", cô Hương nói và lấy ví dụ về thủ khoa khối A của Thanh Hóa chỉ được 1,4 điểm tiếng Anh.

Điểm trung bình tổ hợp xét tuyển tăng, khối C thấp nhất

Các khối thi chất truyền thống, được nhiều thí sinh lựa chọn gồm A, B, C, D, A01 và C01 đều có điểm trung bình lớn hơn 15, trong đó khối C01 (Toán, Văn, Lý) có điểm trung bình cao nhất - 18,05, tiếp đến là khối A (Toán, Lý, Hóa) với 17,73 điểm.

Khối C (Văn, Sử, Địa) khiến nhiều người bất ngờ khi có điểm thi THPT Quốc Gia 2019 thấp nhất với 15,64, trái ngược với mọi năm. Như năm ngoái, tổ hợp ba môn này có điểm trung bình ở mức cao thứ ba trong 6 tổ hợp môn. Đây cũng là tổ hợp có sự tăng trưởng về điểm trung bình ít nhất - chỉ 0.03 điểm.

Điều này được lý giải do thí sinh bị nhiều điểm kém môn Lịch sử và đề Văn khó kiếm điểm cao. Thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM) cho rằng câu nghị luận văn học về dòng sông Hương trong tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường khiến học sinh gặp khó khi chọn một đoạn trong bút ký thay vì cảm nhận đoạn thơ hay truyện ngắn. Câu này chiếm tới 5 điểm nhưng lại là câu phân loại thí sinh.


 

Phạm Trung Hiếu

thi THPT Quốc Gia 2019


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        17,635,114       0/1,644,938