Tuyển sinh Đại học

7 lý do tại sao bạn nên theo học ngành Kỹ thuật công trình xây dựng

Nhắc tới nghề xây dựng, có lẽ không ít cá nhân sẽ ngay lập tức hình dung ra cảnh tượng làm việc vất vả ở những vị trí nắng nôi, cao ngất. Đó cũng chính là lý do người ta dễ dàng quay lưng lại với các ngành học như Kỹ thuật công trình. Nhưng liệu những nhận định đó có thực sự khách quan và chuẩn xác? Chúng tôi vẫn tin rằng tham gia tuyển sinh ngành Kỹ thuật công trình là một lựa chọn đáng lưu tâm với 7 lý do sau đây.

Không hoàn toàn khô khan

Kiến thức sẽ không khô khan nếu bạn có cơ hội thực hành

Nói đến các ngành học kỹ thuật, sự khô khan và “khó nhằn” có lẽ là đặc trưng nổi bật nhất mà không ai có thể phủ nhận. Đó chính xác là những vấn đề mà bạn phải đối mặt sau khi tham gia tuyển sinh ngành Kỹ thuật công trình. Tuy nhiên, với định hướng đào tạo thực tiễn đang được áp dụng ở rất nhiều trường đại học hiện nay, trải nghiệm nhàm chán sẽ sớm chấm dứt. Thay vì nhồi nhét lý thuyết, người học được trao cơ hội rèn luyện các kỹ năng chuyên môn tại xưởng. Vất vả nhất nhưng cũng thú vị và đáng nhớ nhất chính là những buổi thực hành như vậy.

Ngành lên ngôi trong tương lai

Theo nhiều chuyên gia tư vấn việc làm, các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực xây dựng đang và sẽ tiếp tục lên ngôi trong hàng chục năm tới với nhu cầu nhân sự ngày một tăng cao. Nhận định trên được hình thành dựa trên cơ sở những bước tăng trưởng chắc chắn của ngành công nghiệp xây dựng trong giai đoạn hiện tại. Sau một giai đoạn khủng hoảng kéo dài, thị trường bất động sản đã hồi phục nhanh chóng kể từ năm 2017. Thêm vào đó là quy định của Luật Nhà ở cho phép cá nhân và công ty nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, cùng sự nở rộ nhu cầu thuê văn phòng ở các thành phố lớn. Tất cả đã góp phần tạo đà cho xây dựng bật lên một cách mạnh mẽ. Năm 2018, giá trị sản xuất toàn ngành tăng trưởng 9,2%. Tuy chưa có con số cụ thể, nhưng nhìn vào tình hình thực tế đầy khả quan từ đầu năm 2019, giới chuyên gia tin rằng con số này sẽ còn nhảy vọt trong những năm tiếp theo. Bởi vậy, kỳ tuyển sinh ngành Kỹ thuật công trình 2020 hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của không ít phụ huynh và học sinh cuối cấp .

“Khát” nhân lực chất lượng

Nhân sự có kỹ năng chuyên môn chắc chắn là mục tiêu săn đón của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng

Theo báo cáo của Tổng Hội Xây dựng về thực trạng chất lượng nhân lực ngành xây dựng, nước ta hiện có gần 78.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng với xấp xỉ 4 triệu lao động. So với giai đoạn trước 2016, tình trạng thiếu hụt nhân lực đã phần nào được khắc phục. Tuy nhiên, đó chỉ là sự cải thiện về số lượng. Trên thực tế, cùng với những bước phát triển của ngành xây dựng, yêu cầu về công nghệ, kiến trúc… cũng trở nên phức tạp hơn. Đây là yếu tố mà phần lớn nhân sự của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được. Nhiều công trình quan trọng, có quy mô lớn vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực nước ngoài ở các khâu: thiết kế, thi công khung…Từ thực tế đó, có thể thấy, ngành xây dựng trong nước đang rất cần đội ngũ nhân sự trẻ với khả năng tiếp cận kỹ thuật và xu hướng thẩm mỹ hiện đại. Đó là lý do các trường tuyển sinh ngành Kỹ thuật công trình phải liên tục đổi mới mô hình đào tạo theo hướng ứng dụng, tăng cường thời lượng thực hành, đồng thời kích thích năng lực tự học, tự khám phá của sinh viên.

Vị trí công việc đa dạng

Hiện nay, dựa trên khu vực, vị trí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các công việc trong ngành xây dựng thường được chia thành ba nhóm: trong văn phòng, ở công xưởng và ngoài công trường. Cụ thể:

  • Công việc ngoài công trường: Công trường là nơi thi công các công trình xây dựng. Nhóm công việc ở khu vực này bao gồm: kỹ sư thi công, kỹ sư giám sát thi công, chỉ huy trưởng công trình...
  • Công việc trong công xưởng: Bạn có thể ứng tuyển vào một số vị trí như: kỹ sư quản lý chất lượng, kỹ sư giám sát nội bộ, chuyên viên an toàn, chuyên viên phát triển sản phẩm…
  • Công việc trong văn phòng: Khác với suy nghĩ của nhiều người, nhóm công việc này khá đa dạng. Sinh viên ngành Kỹ thuật công trình sau khi tốt nghiệp có thể làm chuyên viên trong các phòng: tư vấn thiết kế, kế hoạch, dự án, quản lý chất lượng công trình... 

Mức lương hấp dẫn

Kỹ sư thiết kế công trình luôn có mặt trong top ngành nghề có thu nhập đáng mơ ước

Ngoài cơ hội việc làm, mức lương cũng là yếu tố khiến tuyển sinh ngành Kỹ thuật công trình trở thành tâm điểm chú ý của các bạn trẻ. Theo khảo sát lương được thực hiện với 5500 người tìm việc tại Việt Nam do website VietnamWorks công bố vào đầu tháng 3/2019, xây dựng hiện là ngành có mức lương dành cho sinh viên mới ra trường tương đối cao so với mặt bằng. Trung bình, một sinh viên vừa tốt nghiệp sẽ có thu nhập khoảng 7.500.000 VNĐ/ tháng. Ngoài ra, có đến ¼ số ứng viên cho biết họ đang được trả từ 10.000.000 VNĐ trở lên. Tất nhiên, đó mới chỉ là mức lương chung của thị trường. Nếu sở hữu kỹ năng thiết kế tốt và kinh nghiệm làm việc lâu năm, bạn hoàn toàn có thể mở rộng nguồn thu ra vô hạn từ các dự án cá nhân. 

Được trang bị toàn diện trong quá trình học

Trong quá trình theo học ngành Kỹ thuật công trình, sinh viên sẽ được trang bị hệ thống kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, phối hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành:

  • Toán ứng dụng;
  • Vật lý kỹ thuật;
  • Các phần mềm thiết kế chuyên sâu;
  • Kiến thức về lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp như: trắc địa, thủy lực, kỹ thuật thi công, kết cấu và vật liệu xây dựng;
  • Các phương pháp thí nghiệm chuyên ngành phục vụ hoạt động thiết kế, tư vấn, giám sát và tổ chức thi công công trình.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo còn cung cấp cho người học những hiểu biết quan trọng như: tiêu chí đánh giá chất lượng vật liệu, công trình; an toàn lao động; các giải pháp bảo vệ môi trường và quy định pháp luật trong xây dựng. Chúng chính là nền tảng để bạn có thể tiếp cận thực tiễn công việc một cách hiệu quả.

Song song với kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành Kỹ thuật công trình cũng có cơ hội rèn luyện các kỹ năng mềm, bao gồm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổng hợp phân tích, kỹ năng ngoại ngữ… Nhờ thế, bạn sẽ dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc chuyên nghiệp ngay sau khi ra trường.

Số lượng cơ sở đào tạo khủng

Bạn có thể lựa chọn điểm đến phù hợp cho bản thân giữa hàng chục  cơ sở đào tạo uy tín

Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 70 trường tuyển sinh ngành Kỹ thuật công trình, trong đó trình độ đại học chiếm hơn 40%. Tuy chất lượng đào tạo chưa thực sự đồng đều, nhưng bạn vẫn có rất nhiều địa chỉ uy tín để lựa chọn. Cụ thể, ở khu vực phía Nam, chúng ta có thể kể đến một số tên tuổi đáng chú ý như: Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Lạc Hồng… Với chương trình giảng dạy mang tính ứng dụng, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và cơ sở vật chất hiện đại, những cơ sở đào tạo này chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.

Hy vọng 7 ưu thế vượt trội kể trên sẽ giúp các thí sinh vững vàng hơn khi quyết định tham gia tuyển sinh ngành Kỹ thuật công trình. Đó cũng là cơ sở để bạn có thể chuẩn bị tốt kiến thức và tâm thế, sẵn sàng cho cuộc đua giành tấm vé vào đại học 2020.

Để tìm hiểu thêm các thông tin về chương trình tuyển sinh ngành Kỹ thuật công trình Đại học Lạc Hồng, bạn có thể tham khảo tại: https://lhu.fun/EAE495.

Phạm Trung Hiếu

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        17,599,907       0/436,938