Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Thuốc xử trí sự cố xảy ra khi thi cử

Qua đợt thi tuyển sinh đại học đợt 1 năm 2012, một số thí sinh đã gặp phải biến cố về sức khỏe như tình trạng mệt mỏi quá sức, uể oải, sốt, đau bụng... Vì vậy, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị tối thiểu một số thuốc phòng khi sự cố xảy ra.

Ngất ngay khi làm bài

Tại một điểm thi tuyển sinh đại học đợt 1 vừa qua trên địa bàn quận Hà Đông, thí sinh nữ Nguyễn Thị N., 19 tuổi đã bị ngất ngay tại phòng thi vào buổi thi trắc nghiệm môn vật lý. Ban đầu thí sinh này vẫn vào phòng thi bình thường, nhưng em có một số dấu hiệu khác lạ: dáng đi uể oải, động tác chậm chạp, ngồi vào chỗ là như rơi tự do. Sau khi phát đề xong, làm bài được 15 phút thì thí sinh này gục mặt xuống bàn, chảy nước mắt lên cơn sốt cao rồi ngất. Nhân viên y tế nhanh chóng có mặt và xử trí tình huống. Sau khoảng 30 phút thí sinh tỉnh lại, bước vào phòng thi nhưng không còn kịp thời gian. Nhân viên y tế cho biết, em đã bị cảm do quá mệt và nhiễm lạnh trời mưa.

Đó là một trong số các tình huống rất nguy hại ảnh hưởng tới kết quả của thí sinh. Ngoài ra, một số thí sinh bị đau bụng, sốt... phải nhờ đến sự trợ giúp của nhân viên y tế. Nguyên nhân do sự thay đổi về giờ giấc, ăn ngủ, dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt làm cơ thể không thích nghi kịp. Ở một mức độ nào đó, chúng gây ra các rối loạn và làm giảm chất lượng thi cử.

 Cần thận trọng khi cho thí sinh dùng thuốc.

Các thuốc dùng để xử trí

Thuốc hạ sốt: Sốt có thể do nhiễm lạnh, do ngấm nước mưa, cũng có thể do nằm quạt gió, do nhiễm virut, do ăn ở nơi đông người và lây nhau. Trường hợp này cần cho thí sinh uống ngay một liều thuốc hạ sốt ngay từ nhà trọ hay từ điểm chờ thi (khi có dấu hiệu sốt từ nhà), bởi lẽ sau khi uống thuốc cần có thời gian hấp thu mới phát huy được tác dụng. Thuốc tiêu biểu nhất có thể dùng là paracetamol. Đây là thuốc hạ sốt công hiệu tốt không kể nguyên nhân gây sốt là gì. Thuốc ít có tác dụng phụ với liều dùng ngắn (1 liều trước thi) và ít ảnh hưởng đến thần kinh trung ương.

Lưu ý: nếu thí sinh có tiền sử dị ứng với thuốc thì không dùng và thay thế bằng aspirin. Không dùng thuốc nhiều thành phần vì có thể có chứa thành phần gây ngủ, rất nguy hiểm cho thí sinh.

Thuốc cầm tiêu chảy: Tiêu chảy có thể do ngộ độc thực phẩm, có thể do ăn thức ăn lạ, do bội thực thực phẩm, do dị ứng. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp là do nhiễm khuẩn trong thực phẩm. Cần xử trí khẩn trương điều trị triệu chứng để giúp thí sinh qua buổi thi.

Hai thuốc có thể dùng là loperamid 2mg và biseptol. Loperamid là thuốc có tác dụng chống co thắt cơ tiêu hóa, giảm sự kích thích ở bề mặt tiêu hóa và giảm tiết dịch lỏng vào phân và giảm nhu động ruột làm giảm triệu chứng tiêu chảy. Thuốc có hiệu nghiệm với trường hợp tiêu chảy do nhiễm khuẩn và ngộ độc thực phẩm.

Biseptol là kháng sinh đường ruột rất tốt cho các nhiễm khuẩn tiêu hóa thông thường. Không bao trùm tất cả các thể bệnh nhưng có đến trên 85% các trường hợp nhiễm khuẩn tiêu hóa đều nằm trong phổ tác dụng của biseptol. Chỉ cần uống 2 viên cùng với loperamid là thí sinh có thể cầm tiêu chảy. Chú ý cho thí sinh uống ngay sau ăn và trước thi tối thiểu 1 giờ.

 Thuốc tăng sinh lực cấp tốc: Nhiều thí sinh do áp lực thi cử, do thay đổi môi trường sống nên mệt mỏi và không ngủ được. Hậu quả là rất mệt, không phục hồi được cơ thể và có thể ngất. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng bài thi.

Để xử trí tình huống này, các bậc phụ huynh lưu ý không nên sử dụng thuốc “đại bổ” hay các loại nước giải khát dạng tăng lực. Điều này chỉ tăng thêm nguy cơ về tiêu hóa. Loại thuốc duy nhất mà có thể sử dụng đó sâm củ thái lát. Hãm nước sôi chừng 3-5 lát sâm và cho thí sinh ăn cả nước lẫn cái sẽ rất có lợi. Thí sinh sẽ giảm hẳn mệt mỏi, thần kinh hưng phấn. Nên cho thí sinh sử dụng ngay từ tối hôm trước hoặc ít nhất trước thời điểm thi 2 giờ.

Chỉ duy nhất thí sinh bị tăng nhãn áp và các em đang phải điều trị các bệnh liên quan đến đông máu không được dùng.

Chú ý quan trọng

Vì chỉ xử trí tình huống khẩn cấp cho nên không uống quá nhiều thuốc hoặc uống theo một đơn thuốc đầy đủ. Nên nhớ, uống càng ít thuốc càng tốt.

Và thật chú ý, vì là xử trí tình huống cho nên đa phần chỉ mang tính triệu chứng. Sau buổi thi cần cho thí sinh đi kiểm tra sức khỏe ngay để xử trí nguyên nhân gây bệnh. Tuyệt đối không được lạm dụng dùng kéo dài các thuốc trên. 

suckhoedoisong.vn


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,614,863       1/1,124