Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Bệnh gout và giả gout: Vì sao hay nhầm lẫn?

Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại và lối sống sinh hoạt, bệnh gout đang trở thành nỗi lo của rất nhiều người. Gout là bệnh viêm khớp nhiều người mắc phải, song đôi khi nhầm với chứng giả gout - một dạng viêm khớp đột ngột.

Chính vì vậy, việc hiểu rõ về bệnh để sớm có biện pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

1. Bệnh gout và nguyên nhân

Bệnh gout là bệnh lý rối loạn chuyển hóa acid uric, dẫn đến lắng đọng các tinh thể monosodium ở tổ chức (bao hoạt dịch và tổ chức quanh khớp, ống thận và nhu mô thận), thường khởi phát ở nam giới tuổi từ 40 – 60 và ở nữ giới sau mãn kinh. Tần suất xuất hiện của bệnh gout tăng đáng kể theo tuổi và tương quan với sự gia tăng của nồng độ acid uric huyết thanh.

Khoảng 5-20% bệnh nhân có acid uric máu cao sẽ mắc bệnh gout. Nồng độ acid uric máu được quyết định bởi sự cân bằng giữa hai quá trình sản xuất và đào thải.

‎Nguyên nhân gây tăng sản xuất acid uric máu gồm: Bất thường về gen. Tăng dị hóa các acid nhân nội sinh. Sự thoái biến nhanh của ATP thành aid uric. Sử dụng quá mức các thức ăn có nhiều purine. Nguyên nhân gây giảm đào thải acid uric qua thận: Suy thận hoặc dùng một số loại thuốc (lợi tiểu, aspirin liều thấp,…).

‎Một số yếu tố nguy cơ của bệnh gout: Nam giới tuổi trung niên hoặc nữ sau mãn kinh, uống nhiều rượu bia, béo phì, hội chứng chuyển hóa, tăng acid uric máu kéo dài, tiền căn gia đình mắc bệnh gout, sử dụng lâu dài các thuốc làm tăng acid uric máu.

2. Giả gout và nguyên nhân

Bệnh giả gout là một dạng viêm khớp đặc trưng bởi sự đột ngột, đau sưng tại một hoặc nhiều khớp xương. Bệnh giả gout thường xảy ra ở người lớn tuổi và phổ biến nhất là ảnh hưởng đến đầu gối.

Không rõ tại sao các tinh thể hình thành trong các khớp và gây ra giả gout. Mặc dù không thể loại bỏ các tinh thể, có phương pháp điều trị để giúp làm giảm cơn đau và giảm viêm giả gout.

Bệnh gout và giả gout: Vì sao hay nhầm lẫn ? - Ảnh 1.

Bệnh gout điển hình sưng đau khớp cổ chân hoặc khớp ngón cái chân.

3. Bệnh gout và giả gout - Cách phân biệt qua biểu hiện bệnh

Bệnh viêm khớp giả gout là một dạng của viêm khớp đặc trưng do đau sưng tại một hay nhiều khớp xương. Cơn đau có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần và đau ở khớp gối. Những trường hợp khác có thể bị đau ở khớp cổ tay hoặc cổ chân. Thông thường, bệnh lý viêm khớp giả gout thường khởi phát ở độ tuổi 55 – 60 tuổi.

‎Trong khi đó, bệnh gout thường biểu hiện bởi các cơn đau cấp tính kéo dài khoảng 2 – 3 ngày. Một số trường hợp có thế đến 7 – 10 ngày; điển hình sưng đau khớp cổ chân hoặc khớp ngón cái chân. Thông thường, bệnh gout sẽ xảy ra ở khớp cổ chân hoặc bàn chân ngón cái. Bệnh gout thường gặp ở nam giới độ tuổi 30 – 40 tuổi.

Phụ nữ có thể mắc bệnh gout sau tuổi tiền mãn kinh. Bệnh giả gout thường gây đau từ từ trong nhiều ngày hơn. Đặc biệt, mức độ trầm trọng cũng ít dai dẳng hơn so với bệnh gout.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu có khoảng 25% những người bị bệnh giả gout có triệu chứng lâm sàng giống hệt bệnh gout. Khoảng 5% bệnh nhân phát triển các triệu chứng gần giống với viêm khớp dạng thấp, trong khi khoảng 50% bệnh nhân bị giả gout phát triển các triệu chứng giống như viêm khớp mạn tính.

Chính vì vậy, nhiều người hay nhầm lẫn giữa bệnh gout và giả gout. Điều đặc biệt là không phải ai mắc giả gout đều có triệu chứng.

Bệnh gout và giả gout: Vì sao hay nhầm lẫn ? - Ảnh 2.

Bệnh giả gout là một dạng viêm khớp thường gặp ở khớp gối.

‎4. Cần làm gì?

Do triệu chứng bệnh giả gout giống với gout cùng các bệnh viêm khớp khác nên việc chẩn đoán bệnh chính xác là rất quan trọng trước khi điều trị.

Các xét nghiệm thường thực hiện để chẩn đoán bao gồm: Xét nghiệm máu kiểm tra tổng quát các chỉ số cơ bản, đặc biệt cần kiểm tra các vấn đề tuyến giáp và tuyến cận giáp, rút dịch khớp để tìm mảnh canxi pyrophosphate, chụp X-quang khớp bị đau,…

Điều trị đúng cách phụ thuộc vào chẩn đoán có chính xác hay không. Điều này đúng với mọi trường hợp, đặc biệt đúng khi có các triệu chứng tương tự chồng chéo hoặc khi một tình trạng tương tự với bệnh khác.

Nếu không được điều trị, có thể để lại hậu quả. Tinh thể của giả gout ở dây chằng và sụn có thể dẫn đến tổn thương sụn khớp nói chung, dẫn đến việc hạn chế vận động bình thường. Vì vậy lời khuyên quan trọng nhất vẫn là đi khám sớm và khám đúng bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra, khi đã chẩn đoán bệnh cần tuân thủ nghiêm chỉ định của các bác sĩ, không điều trị theo mách bảo, tái khám định kỳ và theo dõi trong suốt quá trình điều trị.

Theo ThS. BS Trần Hồng - suckhoedoisong.vn

Hồng Quý - P. CTSV

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,601,394       1/746