Giới thiệu

Khoa Dược  »  Giới thiệu


Bộ môn Dược lý - Dược lâm sàng

 

Bộ môn Dược lý – Dược lâm sàng thuộc Khoa Dược, Trường Đại học Lạc Hồng được thành lập vào năm 2017. Văn phòng bộ môn ở phòng H204 cơ sở Dược, Trường Đại học Lạc Hồng.

Bộ môn Dược lý – Dược lâm sàng đảm nhận trách nhiệm giảng dạy và trang bị các kiến thức cơ bản về thông tin thuốc, sử dụng thuốc trong điều trị bệnh, hiệu quả của việc điều trị, hướng dẫn tư vấn sử dụng thuốc cho chương trình đào tạo Dược sĩ Đại học: Lý thuyết Dược động học; Lý thuyết Dược lý 1, 2; Lý thuyết Dược lâm sàng; Lý thuyết Dược lâm sàng nâng cao; Thông tin thuốc - Dược cảnh giác; Thực hành Dược lý; Thực hành Dược lâm sàng; Thực hành Dược lâm sàng nâng cao. Đồng thời, bộ môn đảm nhận trách nhiệm giảng dạy các môn học thuộc định hướng chuyên ngành Dược lý – Dược lâm sàng: Hóa sinh lâm sàng; Xét nghiệm lâm sàng; Sử dụng thuốc; Dược động học ứng dụng; Phân tích và đánh giá tương tác thuốc; Phản ứng có hại của thuốc; Độc chất học lâm sàng; Theo dõi nồng độ thuốc trong trị liệu.

Bên cạnh đó Bộ môn còn tham gia nghiên cứu khoa học, hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp, hướng dẫn các đề tài của học sinh THPT tham gia kỳ thi Khoa học kỹ thuật tỉnh.

Nhân sự bộ môn bao gồm:

PGS.TS. Nguyễn Tuấn Dũng

(Cố vấn chuyên môn)

Đối tượng giảng dạy: Sinh viên hệ Đại học chính quy, Đại học liên thông.

Mục tiêu giảng dạy: Cung cấp cho học viên những kiến thức về thông tin thuốc, sử dụng thuốc trong điều trị bệnh, hiệu quả của việc điều trị (tác dụng phụ của thuốc, ADR, theo dõi nồng độ thuốc trong trị liệu), tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

Học phần Dược lý 1 và 2 cung cấp cho sinh viên các kiến thức về cơ chế sinh hóa của tế bào, quá trình dược động học, dược lực học, đồng thời cung cấp các nội dung về cơ chế tác động, liều dùng, tác dụng phụ, chỉ định, chống chỉ định của các nhóm thuốc đối với các trường hợp bệnh lý.

Học phần Thực hành Dược lý giúp sinh viên củng cố lại các kiến thức đã được hướng dẫn ở học phần lý thuyết, sinh viên được trang bị các kỹ năng tự tìm kiếm thông tin liên quan đến đặc tính dược lý của thuốc, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng trình bày thông qua việc tự soạn bài và trình bày và thảo luận trước lớp.

Học phần Dược động học cung cấp cho sinh viên các kiến thức về quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ thuốc trong cơ thể. Sự thay đổi dược động ở các đối tượng sử dụng thuốc khác nhau, đồng thời cung cấp các kiến thức về tương tác dược động. Từ đó làm nền tảng kiến thức cho các môn học tiếp theo ở định hướng chuyên ngành Dược lý – Dược lâm sàng.

Học phần Dược lâm sàng cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về công tác dược lâm sàng để có thể ứng dụng trong lĩnh vực nghề nghiệp liên quan ở bệnh viện, các trung tâm thông tin thuốc hoặc nhà thuốc cộng đồng sau này, bao gồm: các kiến thức cơ bản về dược động học, tương tác thuốc, dị ứng thuốc, độc tính thuốc, phản ứng có hại của thuốc, thông tin thuốc, xét nghiệm lâm sàng, sử dụng thuốc cho các đối tượng đặc biệt.

Học phần Thực hành Dược lâm sàng giúp sinh viên trang bị được các kỹ năng về tra cứu thông tin thuốc, đánh giá tương tác thuốc, phản ứng có hại của thuốc, hướng dẫn sử dụng 1 số dụng cụ trong điều trị bệnh mãn tính (bút tiêm, bơm tiêm insulin, bình xịt hen suyễn) cho bệnh nhân, cách tính toán một số thông số dược động học, từ đó áp dụng vào việc phân tích, đánh giá đơn thuốc của bác sĩ, đồng thời trang bị cho sinh viên các kỹ năng về giao tiếp và tư vấn sử dụng thuốc.

Học phần Dược lâm sàng nâng cao cung cấp cho sinh viên những kiến thức nâng cao, chuyên sâu và hướng dẫn điều trị một số bệnh lý chuyên khoa phổ biến như hô hấp, tim mạch, nội tiết, tiêu hóa…

Học phần Thực hành dược lâm sàng nâng cao giúp sinh viên áp dụng các kiến thức đã được hướng dẫn ở học phần lý thuyết dược lâm sàng nâng cao trong việc phân tích ca lâm sàng một số bệnh chuyên khoa nhằm giúp cho sinh viên sau khi ra trường có thể tham gia tư vấn cho bác sĩ, huấn luyện cho y tá điều dưỡng và hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân.

Học phần Thông tin thuốc - Dược cảnh giác thuộc khối kiến thức định hướng chuyên ngành nhằm cung cấp cho sinh viên những thông tin và kỹ năng cơ bản về cảnh giác dược để có thể ứng dụng trong lĩnh vực nghề nghiệp liên quan ở bệnh viện hoặc các trung tâm thông tin thuốc sau này.

Học phần Hóa sinh lâm sàng thuộc khối kiến thức định hướng chuyên ngành Dược lý – Dược lâm sàng, cung cấp cho sinh viên những kiến thức về thông tin các quá trình chuyển hoá của các chất, hoá sinh các cơ quan và xét nghiệm thường quy để có thể ứng dụng trong lĩnh vực nghề nghiệp liên quan ở bệnh viện hoặc các trung tâm cộng đồng sau này, bao gồm: Hoá sinh chuyển hoá protein, lipid, đường huyết/ nước tiểu, hoá sinh enzyme trong máu và nước tiểu, hoá sinh chức năng gan, thận, mật…

Học phần Xét nghiệm lâm sàng thuộc khối kiến thức định hướng chuyên ngành Dược lý – Dược lâm sàng, cung cấp cho sinh viên những kiến thức về thông tin các xét nghiệm thường quy để có thể ứng dụng trong lĩnh vực nghề nghiệp liên quan ở bệnh viện hoặc các trung tâm cộng đồng sau này, bao gồm: Xét nghiệm tế bào máu, ion đồ, xét nghiệm protein, lipid, đường huyết/ nước tiểu, xét nghiệm enzyme trong máu và nước tiểu, xét nghiệm liên quan chức năng gan, thận, mật…

Học phần Dược động học ứng dụng thuộc khối kiến thức định hướng chuyên ngành Dược lý – Dược lâm sàng, cung cấp và bổ sung cho sinh viên các kiến thức việc theo dõi nồng độ một số thuốc như: vancomycin, aminoglycosid và áp dụng trong việc phân tích một số tình huống lâm sàng cụ thể.

Học phần Sử dụng thuốc trong điều trị thuộc khối kiến thức định hướng chuyên ngành Dược lý – Dược lâm sàng, cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về bệnh học, chẩn đoánvà điều trị bằng thuốc ở một vài bệnh thường gặp để có thể ứng dụng trong lĩnh vựcnghề nghiệp liên quan ở bệnh viện, nhà thuốc như: sử dụng thuốc trong điều trị táo bón, đau, viêm ruột thừa cấp, ngừa thai…

Học phần Phản ứng có hại của thuốc thuộc khối kiến thức định hướng chuyên ngành Dược lý – Dược lâm sàng, cung cấp cho sinh viên các kiến thức về việc đánh giá và nhận biết các phản ứng có hại điển hình của các thuốc thường gặp trong điều trị bệnh lý và hướng xử trí khi gặp phải các tình trạng này.

Học phần Phân tích và đánh giá tương tác thuốc thuộc khối kiến thức định hướng chuyên ngành Dược lý – Dược lâm sàng, cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc phát hiện, đánh giá mức độ, cơ chế, hệ quả, xử lý các tương tác thuốc như: tương tác giảm đau –kháng viêm, tương tác kháng sinh, tương tác thuốc tim mạch…

Học phần Độc chất học lâm sàng thuộc khối kiến thức định hướng chuyên ngành Dược lý – Dược lâm sàng, cung cấp cho sinh viên các kiến thức về hướng dẫn chẩn đoán, xử trí, điều trị một số trường hợp hợp ngộ độc một số thuốc, một số chất: paracetamol, thuốc an thần, gây ngủ, ngộ độc nọc rắn, cóc,…

Hướng nghiên cứu

Các nghiên cứu của Bộ môn hướng tới mục tiêu chính là góp phần nâng cao việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả trên bệnh nhân. Từ mục tiêu này, trong những năm qua, các đề tài nghiên cứu của Bộ môn tập trung vào các hướng nghiên cứu chính là:

  1. -Hướng nghiên cứu về mảng Dược lý:

Xây dựng những mô hình thực nghiệm mới trên chuột nhắt trắng có độ tin cậy cao để góp phần chứng minh tác động dược lý của một số hợp chất tự nhiên giúp mang lại nhiều lựa chọn cho người bệnh. Bên cạnh đó, tương tác thuốc và thức ăn cũng là một vấn đề thường gặp trong điều trị, nhằm chứng minh khả năng tương tác một số thuốc thường dùng với thực phẩm như nước bưởi cũng là một hướng mới nhằm đóng góp thêm khuyến cáo cho bệnh nhân trong sử dụng thuốc. Các nghiên cứu dược lý cũng tiếp tục khảo sát thêm một số tác động dược lý của cao toàn phần, cao phân đoạn, hoạt chất phân lập được từ dược liệu dựa trên các mô hình đã xây dựng trong thời gian qua như rối loạn lipid huyết, đái tháo đường, kháng viêm, giảm đau và tăng huyết áp.

  1. -Hướng nghiên cứu về mảng Dược lâm sàng:
  2. Khảo sát thực trạng sử dụng thuốc và phản ứng có hại của thuốc.
  3. Đánh giá hiệu quả can thiệp của dược sĩ lâm sàng trên cải thiện kết quả điều trị và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
  4. Đánh giá tuân thủ điều trị.

 

Giáo trình và tài liệu

-Bộ Y tế, Dược thư quốc gia Việt Nam, xuất bản lần thứ hai, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2015

-Bộ Y tế, Tương tác thuốc và chú ý khi chỉ định, NXB Y học, 2012

-Mai Phương Mai, Trần Mạnh Hùng, Dược lý học Tập 1, NXB Y học, 2011

-Mai Phương Mai, Trần Mạnh Hùng, Dược lý học Tập 2, NXB Y học, 2011

-Hoàng Thị Kim Huyền, J.R.B.J. Brouwers, Những nguyên lý cơ bản và sử dụng thuốc trong điều trị - Tập 1: Các nguyên lý cơ bản trong Dược lâm sàng, NXB Y học, 2014

-Hoàng Thị Kim Huyền, J.R.B.J. Brouwers, Những nguyên lý cơ bản và sử dụng thuốc trong điều trị - Tập 2: Các nguyên lý cơ bản trong Dược lâm sàng, NXB Y học, 2014

-Nguyễn Tuấn Dũng, Nguyễn Ngọc Khôi, Thông tin thuốc, NXB Y học, 2015

-Nguyễn Tuấn Dũng, Nguyễn Ngọc Khôi, Dược lâm sàng đại cương, NXB Y học, 2019.

-Trường Đại học Dược, Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, Cảnh giác dược, NXB Y học, 2015

-Trần Thị Thu Hằng, Dược động học lâm sàng, NXB Phương Đông, 2009

-Goodman & Gillman’s The pharmacological basic of therapeutics, Laurence Brunton, Bjorn Knollmann, Rada Hilal-Dandan, 2017.

-AHFS Drug information, American Society of Health-System Pharmacists, 2013

-Basic Pharmacokinetics and Pharmacodynamics: An Integrated Textbook and Computer Simulations, S. rosenbaum, 2e,  2016

-Basic pharmacokinetics, Jambhekar, 2e,  2012

-Pharmacotherapy, a pathophysiology approach, Barbara G. Wells; Joseph T. DiPiro; Terry L. Schwinghammer; Cecily DiPiro, 9e

-Koda Kimble, Applied therapeutics – The clinical use of drug, 9e

-Textbook of Medical Biochemistry, Chatterjea and Rana Shinde, Jaypee Brothers.

-Lehninger Principles of Biochemistre, David L. Nelson and Michael M. Cox, 5e, WH Freeman and Company.

-Davidson's Principles and Practice of Medicine: A Textbook for Students and Doctors (Hardcover), LSP Davidson, J MacLeod and CRW Edwards, 15e. Publisher: Churchill Livingstone.

-Medical Biochemistry (Paperback), John W. Baynes and Marek Dominiczak. Publisher: Mosby.


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  258,529       1/719