Thông tin Khoa học & Kỹ thuật

Chương trình giảng dạy gắn kết với thực tiễn - tham quan "Trang trại rau sạch bằng phương pháp thủy canh" tại Bình Phước

       Nghiên cứu khoa học với mục tiêu phục vụ cho giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo là một trong những phương hướng đổi mới giáo dục mà Khoa Công nghệ hóa và Thực phẩm – Trường Đại học Lạc Hồng ở Đồng Nai đưa ra trong giai đoạn 2013-2018, đặc biệt là năm học 2013-2014. Tính ứng dụng của các đề tài phải được nâng cao, và thực tiễn nhằm giải quyết những khó khăn về mặt kỹ thuật và công nghệ của các doanh nghiệp, cơ sở, nhà máy sản xuất. Bên cạnh đó, cũng nhằm nâng cao kiến thức thực tiễn, và nghiệp vụ chuyên môn cho các giảng viên trong Khoa, ngày 12/03/2014, tập thể Hội đồng sư phạm của Khoa Công nghệ Hóa và Thực phẩm tổ chức chuyến đi trải nghiệm thực tế tại trang trại trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh của anh Hoàng Phú Hội tại xã Bình Sơn – Bù Gia Mập – Bình Phước. Đây là một hình thức trồng rau sạch mới, không trồng trên đất, không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.

         Tham gia chuyến đi gồm có: TS. Nguyễn Huỳnh Bạch Sơn Long – Trưởng khoa Công nghệ Hóa & Thực phẩm; TS. Thái Xuân Du – Nguyên Trưởng phòng Công nghệ Tế bào – Viện sinh học Nhiệt đới, ủy viên thường Hội đồng khoa học của Khoa; PGS.TS. Bùi Văn Lệ - Nguyên trưởng bộ môn – khoa Sinh – trường ĐH KHTN tp HCM; cùng các cán bộ, giảng viên Khoa Công nghệ Hóa & Thực Phẩm và khoa Công nghệ Sinh học Môi trường.

 Tập thể Hội đồng sư phạm Khoa CN Hóa & Thực phẩm và CN Sinh học - Môi trường tham quan tại vườn rau sạch

      Trang trại rau sạch của Anh Hoàng Phú Hội chuyên trồng các loại rau ăn lá cao cấp với nhiều chủng loại khác nhau được nhập hạt giống từ châu Âu. Thay cho gieo trồng trên mặt đất, hạt giống được ươm trong những vỉ xốp; sau đó, cây được đưa ra cấy trên giàn và hấp thụ chất dinh dưỡng trực tiếp bằng phương pháp thủy canh, giúp cây phát triển tốt, độ đồng đều cao. Đồng thời, cây phát triển nhanh hơn so với trồng ngoài đất, thời gian thu hoạch nhanh (giảm 10-15 ngày so với trồng bình thường). Sau 27 ngày, rau sẵn sàng cho việc thu hoạch mà không phải phun bất cứ loại thuốc trừ sâu nào.

       Qua trao đổi, anh Hội cho biết, rau rất dễ dàng thu hoạch bởi cây có bộ rễ sạch, không dính chất bẩn hay đất, chỉ việc rút cây khỏi hộp nhựa, để lại luống bộ rễ, hoặc cắt gốc và đưa vào bán tại các siêu thị. Về hiệu quả kinh tế, rau ăn lá canh tác theo phương pháp thủy canh hồi lưu đạt năng suất bình quân khá cao. Trên diện tích hơn 7.000m2, trung bình mỗi ngày vườn rau anh Hội cung cấp cho thị trường gần 8 tạ, lợi nhuận thu về trên 15 triệu đồng. Đồng thời, phần rễ và lá cắt bỏ sẽ ủ thành phân hữu cơ, có thể đem bán ra thị trường hoặc bón cho nhiều loại cây trồng. Thời gian tới, anh Hội dự định sẽ mở rộng mô hình, trồng thêm các loại rau gia vị, cà chua và dâu tây thủy canh trên diện tích 3.000m2.

TS. Nguyễn Huỳnh Bạch Sơn Long(trái) – Trưởng khoa Công nghệ Hóa & Thực phẩm

tại vườn rau sạch của anh Hoàng Phú Hội

         Với những thông tin gặt hái được sau chuyến đi, tập thể Khoa CNH&TP cảm thấy rất bổ ích, trước mắt những tư liệu quý này sẽ phục vụ cho công tác giảng dạy, giúp cho bài giảng sinh động, thu hút sinh viên, bám sát thực tiễn. Và song song đó, chuyến đi cũng giúp cho cán bộ, giảng viên có cái nhìn mới trong việc định hướng đề tài nghiên cứu khoa học, và hiểu đươc từ lý thuyết đến thực tiễn là cả một con đường đòi hỏi phải có đam mê và quyết tâm.

Một số hình ảnh tại trang trại:

 

Khoa Khoa học và Công nghệ thực phẩm

tham quan, rau sạch, thủy canh


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        1,153,245       4/926